Yên Khê - Lãng Khê

và sự tích tô mỳ Quảng

“Giữa tôi và mẹ có những thấu cảm đặc biệt khiến tôi không thể đứng nhìn từ xa để đánh giá một cách trung lập”. Vậy thì sẽ là một cái nhìn gần: “Khi tôi còn bé, tôi luôn ở trong bếp cùng mẹ, xem và giúp mẹ nấu nướng. Tôi thích món mỳ Quảng của mẹ (mẹ tôi có công thức riêng để nấu, tôi nghĩ đó là công thức tuyệt nhất của món này). Tôi có thể nói hàng giờ về các món của mẹ…” – Lãng Khê, cô con gái của cặp vợ chồng diễn viên Trần Nữ Yên Khê và đạo diễn Trần Anh Hùng nói về những món ăn của mẹ.

Còn Yên Khê thì nói rằng: “Nếu có một món Việt mà Yên Khê và anh Hùng ‘duyên nợ’ nhất thì chắc chắn là món mỳ Quảng. Có một tô mỳ gây ấn tượng mạnh với anh Hùng đến nỗi chỉ vì thế mà anh Hùng muốn… lấy Yên Khê”.

Có một “sự tích về tô mỳ Quảng” đã làm nên tiếng nói của những người phụ nữ trong tổ ấm của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng!

“Trong danh sách 10 cái tên mà bà ngoại tôi đặt ra, bố mẹ tôi quyết định chọn Lãng Khê. Họ chắc chắn đã đặt nhiều kỳ vọng vào đó. Tôi thật may mắn khi sở hữu nó. Tôi quả thực rất thích nước, vì nó là nguồn cội cuộc sống, cuộn trào và mạnh mẽ” – con gái nhà Yên Khê, Trần Anh Hùng trò chuyện cùng Đẹp, từ Pháp.


Sở hữu ngoại hình cuốn hút của mẹ và theo học chuyên ngành của bố, bạn đã bao giờ bị giằng níu giữa hai lựa chọn: trở thành một nữ diễn viên hoặc một nữ đạo diễn, để không vốn liếng nào bị bỏ phí?
Thật ra tôi vẫn có thể trở thành cả 2 mà, có gì khó hiểu đâu nhỉ? Đó sẽ là một thách thức cực kỳ thú vị với tôi!  

Hành trang nào là đáng kể để bạn có được vai diễn đầu tay trong bộ phim “Les confins du monde” (Nơi tận cùng thế giới)? Nó có gợi cho bạn liên tưởng tới một vai diễn nào của mẹ, hay một bộ phim nào của bố?
Bộ phim lấy bối cảnh những năm 1945, khi cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra nên nó không gợi cho tôi liên tưởng nào về các tác phẩm của bố hay vai diễn của mẹ tôi.

Vai diễn này của tôi không hề qua bất cứ khâu casting nào. Mọi thứ bắt đầu từ một buổi nói chuyện cafe, khi tôi và đạo diễn Guillaume Nicloux tìm thấy sự đồng điệu ở nhau. Bằng tất cả sự thành thật của mình, tôi thú nhận với ông rằng mình chưa từng được học hành bài bản. Song ông vẫn đặt niềm tin nơi tôi để cùng nam diễn viên Gerard Depardieu tạo nên một tác phẩm tuyệt vời. Thời gian rảnh, tôi cùng Gerard đi dạo, nói chuyện về Hà Nội.

Hành trình đến với bộ phim dễ dàng là thế nhưng thực tế sau đó hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi phải ép cân, sống trong rừng với điều kiện khắc nghiệt. Đạo diễn Guillaume Nicloux trên trường quay lại là người rất khó tính, đòi hỏi cao. Xung quanh tôi đều là những con người tài năng, việc dành tất cả sự tập trung của mình vào công việc đã giúp tôi không còn ý thức về áp lực.

Thường trong hình dung của bạn, “nơi tận cùng của thế giới” là đâu?
Đó là thế giới hiện tại, một thế giới không đến từ quá khứ. Thế giới ấy cũng không phải là những cuộc chiến hay nơi nào đó ẩn nấp trong bóng tối. Nó hiện ra trước mắt chúng ta, trần trụi và thực tế. Ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta đã bị phá huỷ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ một cách dư thừa. Chính chúng ta đã đẩy nhân loại đến gần hơn ranh giới của sự huỷ diệt. Từ đại dương đến rừng xanh đều bị đầu độc, nhiều loài động thực vật biến mất. Và sớm thôi, rồi sẽ đến con người.

Năm 2018, “Les confins du monde” đã tới Cannes – nơi tròn 25 năm trước, bố bạn đã từng giật giải “Camera vàng”, cũng cho bộ phim điện ảnh đầu tay “Mùi đu đủ xanh”. Hành trình 25 năm đó (cũng gần bằng số tuổi của Lãng Khê), trong gia đình bạn và với chính bạn, là một quãng đường dài hay ngắn?
Hành trình ấy rất ngắn, như một cái chớp mắt của thời gian. Nhưng có lẽ không ai trong gia đình tôi nhận ra hay có liên tưởng sâu sắc gì với nó, dù đó cũng là một câu chuyện thú vị để nhắc lại.


Vai diễn nào hay trường đoạn diễn xuất nào của mẹ khiến bạn cảm thấy ấn tượng hơn cả?
Tôi không biết nữa. Giữa tôi và mẹ có những thấu cảm đặc biệt khiến tôi không thể đứng nhìn từ xa để đánh giá một cách trung lập. Nhưng nếu phải gọi tên bộ phim mà tôi ấn tượng nhất của bà thì đó là “I come with the rain”. Tôi từng chứng kiến lúc mẹ được hóa trang bởi chuyên gia trang điểm. Hình ảnh ấy cực kỳ ấn tượng, như một phép hô biến kỳ diệu vậy!

Bộ phim nào của bố đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn cả mong muốn trở thành đạo diễn ở bạn?
Lúc nhỏ tôi chỉ thích chạy loanh quanh trên phim trường, từ chỗ diễn viên, chuyên viên kỹ thuật đến nơi bố đang làm việc. Suy nghĩ của tôi khi ấy đơn giản đến mức tôi thậm chí còn không biết bố đang làm việc và thực hiện cái gì đó quan trọng. Trong ký ức của tôi, đó là chỗ vui chơi yêu thích của một đứa trẻ con.

Mẹ bạn đã từng là nàng thơ trong nhiều dự án phim của bố bạn. Bạn có muốn sở hữu một vị trí tương tự?
Tôi có thể hiểu vì sao người ta lại gọi mẹ tôi là nàng thơ của bố, nhưng với tôi thì nó hơi quá sức. Còn nếu bố có vai diễn nào đó mà tôi yêu thích, tôi sẽ chẳng có lý do gì để từ chối.

Trung bình mỗi dự án phim độc lập lấy đi của bố mẹ bạn 5-6 năm chờ đợi, đòi hỏi cao sự kiên nhẫn và cả hy sinh. Chứng kiến sự vắt kiệt đó mà bạn vẫn muốn lao vào điện ảnh sao – một lựa chọn thậm chí còn thách thức hơn với một nữ đạo diễn?
Mỗi người sẽ có cách cống hiến riêng dành cho nghệ thuật. Không phải vì mỗi dự án của bố mẹ tôi mất đến 5 năm làm ra mà nó trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp điện ảnh. Trên thực tế, nó phụ thuộc vào thể loại của bộ phim đó. Việc thực hiện một bộ phim với đầy đủ ngôn ngữ điện ảnh và tầm nhìn nghệ thuật là lựa chọn khó nhất đối với người làm phim. Họ phải có đủ tự tin, sự kiên nhẫn và lòng trung thực. Để cuối cùng, phần thưởng mà họ nhận được sau ngần ấy năm, không gì khác, chính là một bộ phim sống mãi theo thời gian.

Nền công nghiệp điện ảnh Pháp vô cùng cạnh tranh. Bạn buộc phải tìm chỗ đứng cho mình để không bị văng khỏi quỹ đạo của nó. Hầu hết những dự án của bố mẹ tôi đều tốn nhiều thời gian vì chúng thuộc thể loại nghệ thuật. Nhưng trong cùng quãng thời gian ấy, họ còn thực hiện thêm nhiều dự án khác và chuẩn bị cho những công việc khác nữa. Họ sẽ không bao giờ chịu nghỉ ngơi, ngay cả khi mệt mỏi.

Đã bao giờ vì thế mà bạn thử cân nhắc một lựa chọn khác (mà bạn hội tụ khá nhiều tố chất): trở thành một người mẫu ảnh?
Tôi cũng đang làm người mẫu ảnh tại Pháp nhưng chỉ để cho vui. Tôi không xem đó là một công việc chính thức của mình.


Mẹ bạn chia sẻ rằng tinh thần Việt, giá trị Việt trong gia đình bạn đã được người mẹ kín đáo gửi gắm, trao truyền tới các con qua từng món ăn, đặc biệt là món mỳ Quảng. Cảm nhận từ phía bạn thì sao?
Mẹ tôi là một người nấu ăn ngon vô cùng. Tôi nghĩ mẹ rất coi trọng việc nấu nướng ngay từ khi chúng tôi còn bé, vì mẹ muốn chúng tôi không bao giờ quên những hương vị ấy.  

Tôi cũng rất thích nấu nướng và đã tự tay làm được rất nhiều món, không chỉ món Việt. Khi tôi còn bé, tôi luôn ở trong bếp cùng mẹ, xem và giúp mẹ nấu ăn. Tôi thích đồ Ấn nhất, tôi thích các món rau và cà ri gà. Tôi cũng thích mỳ Quảng nữa (mẹ tôi có công thức riêng để nấu, tôi nghĩ đó là công thức tuyệt nhất của món này) và bún bò Huế. Tôi có thể nói hàng giờ về các món của mẹ.

Tinh thần Pháp nơi bạn? Ảnh hưởng nào là mạnh hơn: sự lãng mạn hay tinh thần dân chủ tự do? Có “màu áo vàng” (màu áo tượng trưng cho phe biểu tình ở Pháp – PV) trong gia đình bạn không, trước một vấn đề cần được tranh luận tới cùng?
Tôi thích ăn bánh mỳ Pháp và croissant, thưởng thức cùng một tách cà phê tại một sân thượng nào đó dù ngoài trời đang mưa, tuyết rơi hay băng phủ. Đó là phong cách sống của người Pháp mà ngôn ngữ chúng tôi gọi là “art de vivre français”.

Tôi yêu cả Paris. Nó là một thành phố tuyệt đẹp, nơi đã chứng kiến tôi lớn lên nhưng thật đáng tiếc, con người tại đây đang thay đổi. Họ lạnh lùng hơn, không còn hạnh phúc như trước và cũng chẳng màng đối xử tốt với nhau. Thế nên sau này tôi muốn sống ở châu Á.

Dĩ nhiên, tôi vẫn ngưỡng mộ cách những người Pháp luôn đứng lên giành lấy quyền lợi của họ. Nhìn những con người cùng tập hợp với nhau để đấu tranh khiến tôi rất xúc động. Và đúng vậy, gia đình tôi cũng có vài “chiếc áo gilê vàng”, giúp chúng tôi gắn kết với nhau hơn, khiến những bữa ăn tối trở nên thú vị hơn. Tôi tự hào vì điều đó.

Bố bạn đùa rằng “Yên Khê giáo dục chồng”, vì những ảnh hưởng tích cực mà đạo diễn Trần Anh Hùng nhận được từ vợ; nhưng mẹ bạn cũng lại nói rằng: “Chịu khó cũng là một vẻ đẹp”, vì những món quà của sự chăm sóc mà mẹ bạn có thể mang lại cho chồng con. Quan niệm của bạn thì sao, về chỗ đứng của một người phụ nữ trong gia đình?
Chỗ đứng của một người phụ nữ trong gia đình hoặc trong xã hội là vị trí cho phép cô ấy tự do nhất, nơi cô ấy được làm những thứ mình thích và tự đưa ra lựa chọn cho bản thân.


Được nhận xét là sở hữu ngoại hình giống mẹ, bạn có đồng thời mang tính cách của bà? Tính cách nào bạn muốn được thừa hưởng từ bố mẹ mình nhất?
Tôi thật sự không thể tưởng tượng được nếu mình sở hữu tất cả cá tính của mẹ sẽ như thế nào? Chị có nghĩ rằng điều đó đáng sợ lắm không? (cười). Thật ra hai chúng tôi rất khác nhau. Nhưng tất nhiên tôi cũng muốn được thừa hưởng nhiều tính cách của bố mẹ như sự nghiêm khắc, kiên nhẫn, chính trực và quả cảm.

Câu hỏi nào thường trở đi trở lại với tuổi 22 của bạn? Nếu làm mẹ, bạn mong chờ câu hỏi nào từ con mình?
Câu hỏi tôi luôn đặt ra cho mình mỗi tối trước khi đi ngủ là: đâu là hành tinh và xã hội mà chúng ta để lại cho thế hệ sau này, chúng ta có thể làm gì để thay đổi thực tại trước khi quá muộn, làm cách nào để giáo dục con người có ý thức hơn đồng thời giảm bớt lòng tham và sự ích kỷ nơi họ?

Là một người mẹ trong tương lai, tôi sẽ dạy các con mình luôn đặt nhiều câu hỏi, trực tiếp đối thoại với tôi về tất cả mọi thứ. Sự chia sẻ, trao đổi giữa cha mẹ và con cái vô cùng quan trọng. Hãy lắng nghe con bạn, giúp chúng giải đáp những câu hỏi cho dù ngớ ngẩn nhất!

Bạn từng thốt lên trong một bữa ăn: “Trông bố mẹ cứ như trong từ một quả trứng ra vậy!”. Vì sao bạn lại có ý nghĩ đó?
Đúng là như thế, tôi từng nói rằng trong mắt tôi, họ như hai người nở ra từ một quả trứng, rằng họ sinh ra là dành cho nhau. Hầu hết các cặp đôi đều bắt đầu từ những người xa lạ, rồi đến một ngày, họ gặp gỡ và ở bên nhau. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với bố mẹ tôi. Tôi thật lòng cảm ơn họ vì đã giúp tôi có niềm tin vào tình yêu và hôn nhân.

Tài sản quý giá nhất của cô gái 22 tuổi?
Sự dũng cảm để ngờ vực, khám phá bản thân mình, và tử tế!

Lãng Khê - theo cắt nghĩa của mẹ bạn có nghĩa là “những gợn sóng trên dòng suối”. Nó có tương thích với cá tính của bạn? Đã bao giờ bạn muốn vượt lên trên nó, để làm một “con sóng thần”, mạnh mẽ và khoáng đạt hơn?
Tôi tin rằng mỗi cái tên đều phản ánh tính cách của một con người, đặc biệt là tên của người châu Á. Tôi thật may mắn khi sở hữu cái tên đó. Tôi quả thực rất thích nước, vì nó là nguồn cội cuộc sống, cuộn trào và mạnh mẽ.

Trong danh sách 10 cái tên mà bà ngoại tôi đặt ra, bố mẹ tôi quyết định chọn Lãng Khê. Họ chắc chắn đã đặt nhiều kỳ vọng vào đó nhưng tôi lại chưa bao giờ tự hỏi bản thân. Có lẽ rồi sẽ đến ngày tôi tự mình nghiệm ra lý do.

Xin cảm ơn bạn!

“Yên Khê và anh Hùng quả thật rất hợp nhau. Đến nỗi có một buổi sáng, cả nhà đang ăn sáng cùng nhau thì Lãng Khê tự dưng nhìn bố mẹ rất lạ lùng rồi bảo: ‘Ô hôm nay lạ lắm, nhìn bố mẹ như từ một quả trứng ra vậy!’. Yên Khê mong Lãng Khê sẽ gặp được một người phù hợp như là Yên Khê đã gặp được anh Hùng” – diễn viên Trần Nữ Yên Khê nói về cô con gái mang tên mình.


Không ít ông bố bà mẹ gốc Việt đã lo lắng về một thế hệ lớn lên bằng sữa Tây, nói tiếng Tây, nghĩ kiểu Tây… sẽ dần mất đi sợi dây kết nối với nguồn cội của mình. Được mặc định như một vẻ đẹp châu Á trong những thước phim của Trần Anh Hùng, chị có ý thức sâu sắc về việc sẽ giúp con gái Lãng Khê biết nhấn mạnh gốc gác đó?
Không phải đợi tới lúc bước vào những khuôn hình thì Yên Khê mới ý thức về những giá trị tinh thần cần gìn giữ đó. Trong cách mẹ Yên Khê truyền dạy cho Yên Khê, cũng chính là cách bà bày tỏ tình yêu sâu nặng của mình với mảnh đất đã sinh ra bà, Yên Khê đã sớm hiểu rằng: con người ta, khi đi xa thì phải cố mà giữ cái gốc cho chuẩn.

Rời Việt Nam từ năm 1973 và về nước lần đầu vào năm 1981, Yên Khê từ đó tới nay hầu như năm nào cũng về Việt Nam, cả khi Việt Nam còn rất nghèo, cả khi ông bà ba mẹ không còn ở đấy. Một cách tự nhiên hay ý thức, mẹ Yên Khê rất để ý đến việc duy trì những tập quán Việt trong sinh hoạt gia đình và đến lượt mình, Yên Khê lại truyền nó sang các con. Bọn trẻ từ nhỏ đã được nuôi lớn bằng những món ăn Việt và câu đầu tiên các con hỏi khi từ trường về bao giờ cũng là: “Tối nay ăn gì hả mẹ?”. Chúng luôn háo hức trước những bữa ăn mà món Việt là chủ lực.

Yên Khê luôn tin rằng để các con cảm thấy gắn kết với nguồn cội một cách tự nhiên nhất, hơn là sự áp đặt đường đột, thì đường truyền dẫn nhanh nhất, mạnh nhất hẳn là các món ăn trong mỗi bữa cơm nhà, và cả những câu chuyện được kể bởi ông bà hay âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Mẹ của Yên Khê nấu ăn rất giỏi, rồi bà dạy cho Yên Khê, rồi Yên Khê dạy cho Lãng Khê, giờ Lãng Khê thậm chí còn nấu thơm ngon hơn bà và mẹ, lại còn biết trình bày rất đẹp… Phong vị Việt, triết lý Việt cứ thế ngấm dần vào bọn trẻ qua mỗi bữa ăn.

Nghe nói món ăn “quốc hồn quốc túy” trong gia đình chị là món mỳ Quảng, thậm chí có hẳn một “sự tích” về nó?
Lần đầu tiên anh Hùng đến nhà Yên Khê mời đóng phim thì được mẹ Yên Khê đãi món mỳ Quảng. Tô mỳ đó gây ấn tượng mạnh với anh Hùng đến nỗi chỉ vì thế mà anh Hùng muốn bước vào nhà Yên Khê, muốn lấy Yên Khê để lại được ăn mỳ Quảng (cười). Nó nhắc anh Hùng nhớ lại một cái gì đó thật sâu trong lòng, nó ngay lập tức biến một người lạ thành một người quen… Lẽ dĩ nhiên là mãi về sau anh ấy mới nói cho Yên Khê biết điều đó.  

Có câu nói vui rằng: “Người vợ lý tưởng là nữ hoàng trong phòng khách và ‘ô sin’ trong phòng bếp”. Với chị thì sao, điều gì khiến một nàng thơ kiêu kỳ trên màn ảnh lại vui vẻ ngày ngày làm một bà nội trợ trong gian bếp?
Yên Khê không thích cách suy nghĩ này. Thật không may, nó lại thường gặp ở rất nhiều phụ nữ. Mỗi ngày chúng ta đều phải đi làm, sau đó trở về nhà chăm sóc con cái, nấu cơm, chăm lo cho ngôi nhà… Cần có một sự phân công lao động hợp lý hơn giữa đàn ông và phụ nữ. Anh Hùng thì luôn san sẻ việc nhà với Yên Khê.

Cá nhân Yên Khê luôn mong muốn gia đình mình được ăn những món ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Đó là lý do vì sao Yên Khê tự tay nấu nướng mỗi ngày. Yên Khê rất quan tâm đến việc chọn thực phẩm organic theo mùa, rõ nguồn gốc và tránh mua những loại có bao bì không thân thiện với môi trường. Một vài thứ Yên Khê còn tự trồng. Gia đình mình rất ít khi đi ăn nhà hàng.

Không dễ để duy trì việc đó mỗi ngày vì Yên Khê không phải một nữ siêu nhân (cười), đôi khi Yên Khê cũng không muốn nấu cho lắm, nhưng rồi Yên Khê vẫn vào bếp. Đó không phải là hy sinh, đó là sự nỗ lực và Yên Khê sẽ không phàn nàn về lựa chọn của mình. Người ta luôn có thể nhìn thấy vẻ đẹp của sự nỗ lực, phải không?

Bởi vì nấu nướng là công việc Yên Khê cần làm mỗi ngày, Yên Khê đã học cách để yêu thích nó. Bữa ăn chính là lúc các thành viên trong gia đình đối thoại với nhau. Một cuộc trò chuyện chất lượng đôi khi còn làm lu mờ cả những món ăn.

“Tối nay ăn gì?” là câu hỏi các con dành cho chị mỗi ngày. Vậy câu hỏi nào chị dành riêng cho mình?
Các con vẫn hỏi thế từ khi chúng còn là những đứa trẻ, và Yên Khê thấy vui khi giờ đây những đứa trẻ trường thành vẫn hỏi mình câu đó.

Yên Khê luôn cố gắng nuôi dạy các con trở thành những người có trách nhiệm, lương tâm và đạo đức. Đó có lẽ là việc khó nhất trên đời, bởi Yên Khê vẫn thường phải tự hỏi mình: “Mình làm vậy có đúng không? Mình đã lựa chọn chính xác? Liệu mình có mang lại niềm vui và hạnh phúc cho các con? Những điều mình nói với chúng dẫn đến hệ quả gì? Phản ứng của mình liệu có là hợp lý?”.

Đồng thời, Yên Khê cũng có những suy nghĩ kiểu như: mình có thể làm gì để cải thiện môi trường sống, ngày hôm nay của mình sẽ thế nào nhỉ, liệu có thể thêm điều gì vào đời sống để nó phong phú hơn không, cho mình và cho người khác?

Càng có tuổi, Yên Khê càng trăn trở với những câu hỏi đó. Như mẹ Yên Khê, giờ đã 80 tuổi rồi nhưng lúc nào cũng muốn học thêm cái này cái nọ để không bị cũ.

Gần 30 năm sóng bước cùng chồng cả trong sự nghiệp, với độ giãn cách trung bình là 5-6 năm làm một bộ phim, liệu có quá ít để đôi khi chị cảm thấy sốt ruột?
Phải có một tinh thần rất vững và niềm tin mạnh mẽ vào điều mình làm thì mới có thể theo đuổi con đường làm phim độc lập, để biết chờ đợi và vượt qua những khó khăn. Những bộ phim mà anh Hùng và Yên Khê làm thường đòi hỏi rất cao, rất thử thách nhưng cũng mang lại thành quả xứng đáng. Chúng mình chọn chất lượng thay vì số lượng, điều đó thật chẳng dễ dàng. Thỉnh thoảng, cũng khá nản khi biết rằng mình không có đủ thời gian để hoàn thành công việc như đáng ra nó cần phải có.

Cả bà cố và bà ngoại của Yên Khê đều theo đạo Phật nên Yên Khê cũng phần nào thấm nhuần tinh thần sống tích cực của đạo Phật. Buồn chẳng bao giờ buồn quá, vui cũng chẳng bao giờ vui quá, cứ bình tâm mà sống, vậy thôi!


Cộng thêm cả tinh thần lãng mạn của người Pháp?
Người Pháp với sự lãng mạn, tính logic và lý trí thực sự giúp mình có một cách nghĩ, một phương pháp sống rất khoa học, một lối tư duy rõ ràng mạch lạc để có thể giải quyết mọi việc một cách thấu đáo, nhịp nhàng, từ việc nấu một bữa ăn đến làm một bộ phim, thiết lập mục tiêu mới hay tạo ra những sợi dây gắn kết trong gia đình và ngoài xã hội. Nó thực sự là một chiếc “chìa khóa vạn năng” giúp mình mở được những cánh cửa khó.

Yên Khê thừa hưởng tất cả các khía cạnh đó, cả nghệ thuật sống của họ và quan trọng nhất là một tinh thần tự do. Yên Khê thường tự hỏi vì sao chúng ta lại là chúng ta lúc này, chúng ta đang xây dựng xã hội kiểu gì cho con em chúng ta, và kỳ thực là mình khá bi quan, chẳng có sự lãng mạn nào ở đây khi nói đến vấn đề xã hội và môi trường.

Khi biểu tình được coi là một “đặc sản” Pháp, “màu áo vàng” liệu có trong nhà chị, vì hai chữ “bình quyền”?
Sống trong một gia đình nơi giáo dục và các giá trị nhân văn được đề cao, chúng mình vẫn thường tranh luận về các vấn đề xã hội và quyền thay đổi thế giới trong những bữa ăn. Yên Khê đặt ra chủ đề và thử thách mọi người.

Rất may anh Hùng luôn vui vẻ nói rằng, đấy là Yên Khê đang “giáo dục chồng” (cười). Thì đúng là trước giờ, vô số tiến bộ xã hội đạt được đa phần là do phụ nữ còn gì!

Ô, vậy chị thường giáo dục anh Hùng những gì?
Thông thường sự lựa chọn của mình không thuộc về số đông. Yên Khê chọn không sử dụng thuốc Tây, không kháng sinh hay vắc-xin, chọn phương pháp giáo dục Montessori, thực phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng và tránh lãng phí thực phẩm, tránh sử dụng xe hơi... Trước khi mua một thứ gì đó, Yên Khê tự hỏi mình có thực sự cần thứ này, và câu trả lời đa phần là không, vì vậy Yên Khê không mua nó. Cuộc sống đã đầy rẫy những thứ vô dụng gây ô nhiễm Trái đất rồi.

Khi Yên Khê chia sẻ suy nghĩ của mình với anh Hùng, gì anh Hùng cũng “Ok!” hết, vì anh luôn tôn trọng con người sáng tạo ở Yên Khê, trong tất cả mọi việc lớn bé. Yên Khê cảm thấy may mắn vì điều này. Dù có những lựa chọn, chẳng hạn như từ chối cho con uống kháng sinh có thể khiến hai vợ chồng nhiều đêm phải thức chăm con tới 2-3 giờ sáng.

Được quyền quyết định mọi thứ trong gia đình đôi khi lại khiến phụ nữ chúng ta mệt mỏi vì phải đau đầu chọn lựa và chịu trách nhiệm. Có những giải pháp tưởng an toàn lại chính là mạo hiểm và khiến mình hoang mang! Cá nhân tôi từng trải nghiệm thế, chị thì sao?
Cuộc sống phải có lúc mệt mỏi, thậm chí có lúc hoang mang thì mới là cuộc sống! Thật khó để sống cùng nhau. Chúng ta phải tôn trọng nhau, lắng nghe nhịp sống của nhau, nỗ lực hết sức, đừng quá ích kỷ… Chịu khó – theo Yên Khê – cũng là một vẻ đẹp! Và nếu điều đó là tự nguyện, thì tự nhiên mình sẽ cảm thấy vui vẻ, thú vị, hơn là chịu khó một cách vùng vằng, miễn cưỡng. Rõ ràng chúng ta cần tìm một điều gì đó thỏa mãn cho sự phát triển cá nhân, từ đó mới có thể bao dung với người khác. Ở Pháp, Yên Khê biết có những cặp vợ chồng ly hôn chỉ vì mệt mỏi không chăm nổi con, không ai muốn làm việc nhà.

Đôi khi mình cũng có cảm giác đó, nhưng quan trọng là phải tìm ra cách để vượt qua chính mình. Không dễ dàng gì nhưng khi làm được rồi, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, bao dung hơn và thấy cuộc sống đẹp đẽ hơn.

Quen anh Hùng từ năm Yên Khê mới 17 tuổi, tới giờ này đã sống cùng nhau 28 năm rồi, để đồng hành bên nhau chừng ấy thời gian đâu đơn giản, nếu như không cùng chung một gu thẩm mỹ, một quan niệm sống! Chúng mình phải xây dựng tất cả, qua năm tháng, đó giống như là một công việc thực sự (cười).

Chị từng cắt nghĩa cho tôi rằng: “Lãng Khê là con sóng nhỏ trên mặt nước”. Khi đặt tên con như vậy, mong muốn của chị là gì? Những gì đang hiện ra ở tuổi 22 của con đã khiến chị tin tưởng?
Bọn trẻ bây giờ phần nhiều không được chăm chỉ và kiên nhẫn như những thế hệ trước, có thể vì nhịp sống lúc này gấp gáp quá. Ở Pháp cũng như bất cứ đâu trên thế giới, thế hệ chúng sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn như thất nghiệp, bất công, những cuộc vận động hành lang, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và nhập cư… Yên Khê vốn là người lạc quan, tuy nhiên hy vọng đang ngày một bị lu mờ bởi những thực tế về thế giới mà chúng ta đang sống.

Yên Khê thấy may mắn khi nhìn Lãng Khê làm việc gì cũng hết sức, không làm tạm, không làm qua loa, và luôn chịu khó tìm tòi cách tốt nhất có thể. Lãng Khê hay được nhận xét là giống mẹ, dù Lãng Khê thì rất vui vẻ thoải mái, còn Yên Khê thì trông hơi lạnh lùng (Yên Khê hơi rụt rè và có xu hướng tránh những nơi đông người). Lãng Khê có những điều Yên Khê không có, Lãng Khê cảm thấy thoải mái ở mọi nơi!

Một gợn sóng có thể rất nhẹ, nhưng cũng có thể trở nên mạnh mẽ khủng khiếp nhờ vào mạch ngầm của nó. Trên tất cả, nước mang đến sự tươi mát, tinh khiết và sức sống cho tâm trí. Đó là kỳ vọng dành cho Lãng Khê.

Điểm yếu nào ở chị mà chị không mong có ở con gái mình?
Hoài niệm và quá nhiều trắc ẩn. Chúng ảnh hưởng đến con người mình sâu sắc, và mình không thể làm gì để thay đổi.

Liệu chị có mong kén được một chàng rể như bố của Lãng Khê?
Yên Khê mong Lãng Khê sẽ gặp được một người phù hợp như là Yên Khê đã gặp được anh Hùng, một người cùng chia sẻ những giá trị mà gia đình mình quan tâm, một người luôn tôn trọng Lãng Khê và quý trọng những việc Lãng Khê làm, bởi chỉ tình yêu thôi là không đủ.

Yên Khê và anh Hùng quả thật rất hợp nhau. Đến nỗi có một buổi sáng, cả nhà đang ăn sáng cùng nhau thì Lãng Khê tự dưng nhìn bố mẹ rất lạ lùng rồi bảo: “Ô hôm nay lạ lắm, nhìn bố mẹ như từ một quả trứng ra vậy! Trong khi bố mẹ bạn con, lại cứ như hai quả trứng”. Phần nào đó, Yên Khê nghĩ, đấy có thể chính là diện mạo của hạnh phúc!

Xin cảm ơn chị!

Thực hiện THỦY LÊ Nhiếp ảnh IULIA MATEI Trang điểm AN D PHẠM Chỉnh sửa hình ảnh NHẬT TÙNG
Thiết kế UYỂN QUÂN


BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Yên Khê - Lãng Khê
  1. Section 1