Srilanka
“Đất nước toàn là chùa chiền, đền miếu, 8 ngày ở Sri Lanka có buồn không?”. Đó là điều mà nhiều người thắc mắc với tôi sau chuyến đi tới đất nước hình giọt lệ 4 mặt tiếp giáp Ấn Độ Dương. Buồn hay vui chắc còn tùy cảm nhận của mỗi người, nhưng với riêng tôi, dẫu hành trình này chẳng có lễ hội hoành tráng, đồ ăn cũng không hợp khẩu vị (tôi thực không thích món cà ri và kiểu ăn bốc tay của họ), chuyến đi 8 ngày về miền đất Phật vẫn chẳng có lấy một phút giây tẻ nhạt.
NHỮNG ĐẠI SỨ VĂN HÓA KHÔNG ĐƯỢC THỪA NHẬN
Chỉ rộng 65.610km2, tức là bằng 1/5 tổng diện tích Việt Nam nhưng Sri Lanka có tới 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đa phần dân số Sri Lanka là người Sinhala, còn lại là người Tamil và các nhóm dân tộc khác. Thành phố cổ Anuradhapura được xem như thánh địa Phật giáo – tôn giáo chính của đất nước này. Cuộc sống nơi đây có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ nhưng an toàn hơn nhiều. Dẫu vậy, nếu bạn là con gái và không đi theo nhóm thì đừng ra đường quá muộn ở Sri Lanka.
Những lời khen tương tự như: “Tôi thích nơi này bởi người dân rất thân thiện và hiếu khách!” nghe có vẻ quá văn mẫu và khách sáo, nhưng tôi thấy mình cần nhấn mạnh điều này khi nói về Sri Lanka. Cước phí mà các bác tài đưa ra thường khá sát với những gì tôi tham khảo trước đó. Điều này rất khác với Thái Lan, nơi các tài xế tuk tuk thường cố gắng “chém đẹp” bạn bằng cái giá trên trời hay dẫn bạn đến những địa điểm mà tài xế và chủ hàng đã móc nối làm ăn với nhau từ trước.
Tại các địa điểm tham quan, người dân địa phương luôn tìm cách bắt chuyện với tôi. Họ thường hỏi tôi đã đi những đâu, cảm thấy như thế nào về đất nước của họ. Chế độ đa nghi dành cho khách du lịch thông thái được bật lên, tôi tự nhủ không biết họ có đang cố gắng bán cho mình món hàng lưu niệm gì không. Nhưng không, họ chỉ đơn giản chúc tôi hãy tận hưởng trọn vẹn hành trình của mình. Điều làm tôi cảm thấy thú vị nhất mỗi ngày là được nói chuyện với người dân địa phương – những đại sứ văn hóa không bao giờ xuất hiện trên banner quảng cáo lung linh, dẫu vậy vẫn luôn nhiệt tình chỉ đường đi lối lại, những quán ăn ngon rẻ cho khách du lịch, khách quan và cụ thể hơn bất kỳ tờ hướng dẫn hay ứng dụng du lịch nào. Dù chỉ ở các thành phố lớn như Colombo hay Kandy tôi mới tìm được người có thể nói tiếng Anh, nhưng giao tiếp bằng hành động khua chân múa tay cũng vui mà!
CON SƯ TỬ TRUNG THÀNH CÙNG ĐẾ CHẾ CỔ
Tôi đang nhắc đến cao nguyên hình sư tử Sigiriya. Bạn sẽ rất dễ nhận ra kỳ quan này vì nó có chiều cao lên đến hơn 300m, nằm nổi bật giữa rừng cây và đồng ruộng. Cao nguyên đá Sigiriya hình thành bởi một đợt phun trào của núi lửa, bất chấp những vạn biến của thời gian, đang cõng trên lưng những tàn tích cuối cùng của một đế chế cổ.
Tương truyền, nơi này được xây dựng bởi vua Kasyapa từ thế kỷ thứ 13, sau khi ông thực hiện một cuộc đảo chính tàn bạo, giết vua cha và cướp ngôi. Khi nghe tin, người em trai Moggollana đã nhanh chóng trốn sang Ấn Độ. Biết rằng một ngày nào đó em trai mình sẽ quay lại để trả thù, vua Kasyapa đã chọn Sigiriya để đóng đô. Ông ra lệnh chế tác cao nguyên này thành hình dáng một con sư tử. Hiện nay, chỉ còn đường lên đỉnh cao nguyên nằm ở phần chân loài mãnh thú là vẫn còn nguyên vẹn, còn lại đã bị thời gian làm mai một. Phủ kín suốt chiều cao của mặt đá là bức tranh khắc hình ảnh những người phụ nữ khỏa thân. “Đó là vợ vua hay một nghi thức tôn giáo đặc biệt nào chăng?”, tôi thầm nghĩ.
Mê mẩn ngắm nhìn những đường nét được điêu khắc khéo léo, hành trình leo lên đỉnh cao nguyên dưới cái nắng gay gắt trở nên nhanh chóng và dễ chịu hơn. Trên lưng con sư tử đá khổng lồ theo tưởng tượng của tôi là một mặt đá trơ trọi, nhưng thảm cỏ xanh mát, hệ thống pháo đài kiên cố và cả một hồ nước nguyên vẹn đã khiến tôi thực sự kinh ngạc về kỹ thuật xây dựng của những người Sri Lanka thời xưa. Làm thế nào mà cả một thảm cỏ vẫn xanh trên nền đá khô cằn nắng gió? Cần bao nhiêu tính toán để xây dựng được một pháo đài kiên cố trên độ cao lên đến hơn 300m như vậy?
ĐẠI NHẠC HỘI MIỄN PHÍ TRÊN TÀU LỬA
Tham khảo qua rất nhiều gợi ý, tôi quyết định chọn tàu hỏa để di chuyển từ thành phố cao nguyên Kandy tới thị trấn Ella. Sau câu hỏi: “Cậu mới đi lần đầu tiên à?” và nhận được cái gật đầu, người bán vé khăng khăng bán cho tôi một chỗ ngồi ở khoang hạng 2.
Mãi đến khi tàu bắt đầu tiến vào những cung đường đẹp nhất, tôi mới hiểu ngụ ý của người bán vé. Chuyến tàu này giá trị nhất ở những cảnh quan thiên nhiên, và chỉ ở khoang hạng 2 hoặc 3 – nơi có cửa tàu, bạn mới có thể ngắm nhìn trọn vẹn những cảnh đẹp ấy mà không phải dí mũi vào lớp kính cửa sổ. Thú vị nhất là lúc tàu chạy thật chậm khi đi qua thung lũng, bạn có thể ngồi xuống cửa tàu, thả chân ra ngoài, để chân đung đưa theo chuyển động lăn trên đường ray, mắt hướng về mảng xanh bên dưới. Nhưng nhớ giành chỗ thật sớm vì nếu chậm chân bạn sẽ không thể đọ lại với các thanh niên Tây ba lô cao to đâu.
Không cần đến Sri Lanka vào mùa lễ hội, bạn vẫn có thể tham gia vào những “đại nhạc hội” rộn ràng, sôi nổi, miễn phí và lưu động, thứ luôn có trên những chuyến tàu lửa Kandy – Ella và ngược lại. Chỉ cần dăm ba anh thanh niên tụ tập đâu đó trên toa, cùng nhau hát với thứ nhạc cụ là bất kỳ món đồ gì các anh có được, thế là thành đại nhạc hội rồi. Lễ hội tự phát ấy có sức lôi kéo đến mức những hành khách xung quanh cũng góp thêm giọng to giọng nhỏ vào. Ông chú ngồi cạnh tôi quay sang hào hứng kể: “Chuyến tàu càng dài thì đại nhạc hội sẽ càng lâu đấy!”.
AYUBOWAN!
Cảm ơn, đó là điều tôi muốn nói với những người mình đã gặp trên hành trình này: một gia đình đã cho tôi thuê phòng ở Sigiriya, mời tôi ăn chung bữa tối và cho tôi đi nhờ xe vào thị trấn; một anh chàng luôn miệng xin lỗi khi tôi nhường chỗ cho anh và đứa con nhỏ trên chuyến xe buýt dài 6 tiếng đồng hồ; một hành khách ngồi cùng chuyến tàu đã mời tôi món samosa (món bánh gối chiên giòn)... Bỏ qua hết những vấn đề kinh tế, chính trị, sắc tộc... người dân Sri Lanka thực sự đang tận hưởng một cuộc sống giản đơn và đầy ắp tình cảm.
Và thêm một điều nữa, tôi muốn cảm ơn trò đu cây dừa trên bãi biển Delawella - bãi biển cách thị trấn Galle khoảng 2km về hướng Đông. Một sợi dây thừng dài được thắt nút thòng lọng chắc chắn, đầu kia của sợi dây buộc vào đầu cây dừa hướng về biển, nhìn thì có vẻ mạo hiểm, nhưng bạn chỉ cần nắm chắc dây thừng là sẽ không bao giờ bị té. Chỉ 300LKR cho một lần đu dây, chơi tới khi nào chán thì thôi. Cứ thế, tôi để mình đánh đu giữa không trung, như bay giữa bầu trời hoàng hôn tím ngắt. Tối đến, tôi đi dạo dọc bờ biển, cảm giác những nỗi phiền lo cũng tựa như nắm cát tuôn qua các kẽ ngón chân, trôi sạch đi theo mỗi nhịp sóng dồn.
Bài và ảnh QUỐC THÁI
Thiết kế UYỂN QUÂN
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP