Nhà báo Thủy Phạm
“NHỮNG CUNG ĐƯỜNG ĐẦY THỬ THÁCH CHO TÔI BIẾT GIỚI HẠN BẢN THÂN”
Ít ai nghĩ rằng người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai như chị Thủy lại là một tay lái “lì lợm” trên những cung đường dài: xuyên Việt, xuyên Lào, ngang dọc trời Âu. Những chuyến đi đó giúp chị biết giới hạn bản thân của mình tới đâu và nới rộng ra đến nhường nào.
19 năm lái xe, cả trong lẫn ngoài nước, gần chục lần xuyên Việt… Ngồi sau vô lăng có gì hấp dẫn chị đến vậy, khi ai cũng nghĩ mấy chị như thế chẳng nữ tính chút nào?
Vậy mà tôi lại thấy mình…nữ tính hẳn ra đấy (cười). Gần 20 năm trước, làm báo đi sớm về khuya lại còn đi bằng xe máy vừa ảnh hưởng sức khỏe lại không an toàn nên tôi chuyển sang đi ô tô. Đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Nói chung phụ nữ được lợi nhiều lắm khi đi ô tô, nhưng trên hết nó cho tôi sự chủ động, tự do cũng như thỏa đam mê khám phá cuộc sống và con người xung quanh, vốn cũng rất gần gũi với nghề nghiệp của mình.
Nhưng trên các cung đường dài, nhất là ở các quốc gia xa xôi, sự cố xảy ra ắt hẳn là cơn ác mộng đối với chị cũng như nhiều chị em khác – những người vốn được xem là “chân yếu tay mềm”… Chị xử lý như thế nào?
Cũng như trong cuộc sống, sự cố khi lái xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào: xe hư, văn hóa lái xe khác biệt, tai nạn không mong muốn,… Mình nghĩ đó là khó khăn thì sẽ thấy khó thật, nhưng nếu xem nó là thử thách để vượt qua và khai phá năng lực cá nhân thì sẽ thấy đầy hứng thú.
Tôi rất thích những cung đường mang tính thử thách, phiêu lưu, dĩ nhiên là trong phạm vi kiểm soát. Nhờ thế mà tôi biết được giới hạn bản thân của mình tới đâu và nới rộng ra được đến chừng nào.
Với chị, việc lái một chiếc xe với cuộc sống hàng ngày liệu có sự tương đồng?
Ban đầu, tôi nghĩ mình mua xe thì sẽ điều khiển nó. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra việc lái xe lại điều chỉnh phong cách sống của mình. Nó như người bạn, không chỉ trao đổi mà còn giúp mình tiến bộ trong nhiều thứ.
Ví như hồi đi xe máy, nói thật, tôi chả buồn học luật giao thông đường bộ. Nhưng từ khi lái xe thì không những phải thuộc mà còn thường xuyên cập nhật luật ở những nơi mà mình chuẩn bị tới, cũng như tham khảo các kinh nghiệm xử lý tình huống của nhiều người.
Và còn nhiều chuyện khác, tỷ như khi lái xe bạn phải luôn quan sát từ xa và quan sát cả hai bên, phía sau chứ không phải chỉ chăm chăm nhìn phía trước. Trong cuộc sống cũng cần sự kiểm soát như vậy, đúng không? Làm chủ tốc độ cũng là một kỹ năng tuyệt vời – biết khi nào cần nhanh, khi nào cần chậm và khi nào phải stop. Rồi trước mỗi chuyến đi xa, tìm hiểu đường sá, lên kế hoạch khung, sắp xếp đồ dùng trên xe sao cho hợp lý, vừa đủ cũng là một kỹ năng sống khoa học, hiệu quả.
Thế còn những khi căng thẳng, chị “lái qua” bằng cách nào?
Căng thẳng trong cuộc sống, cũng giống như buồn ngủ khi đang lái xe đường dài. Trước đây, những lúc bị như thế tôi hay cố gắng chống lại điều đó, kể cả giật tóc, tự cấu vào người cho tỉnh. Nhưng chẳng ăn thua, và điều này thật sự rất nguy hiểm. Sau đó phát hiện ra rằng, chỉ tạt xe vào một chỗ an toàn, yên tĩnh, tranh thủ chợp mắt mươi phút là lấy lại tinh thần rồi cứ thế mà chạy băng băng.
Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu căng thẳng quá, thì tốt nhất là ngừng suy nghĩ về nó và đi làm việc khác. Bao giờ thấy thoải mái thì quay trở lại, chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nhiều người vẫn luôn mặc định phụ nữ đồng nghĩa với lái xe kém. Cứ xảy ra va chạm gì, người ta cảm thán ngay: “Đấy lại phụ nữ lái xe!” Chị sẽ phản biện ra sao?
Nếu xét trong tương quan so sánh với đàn ông thì đúng, vì chúng ta đang đề cập đến sự khác nhau trong cấu tạo não bộ cũng như tâm sinh lý của hai giới. Phụ nữ đa phần yếu hơn đàn ông về cảm giác tốc độ, về sự quyết đoán và mau lẹ khi xử lý tình huống, nhưng lại không nôn nóng và hiếu thắng như đàn ông.
Phụ nữ sẵn sàng nhường để xe khác vượt lên, chứ không nhất quyết cho xe sau “ngửi khói” bằng mọi giá (như đàn ông vẫn thường làm). Họ cũng ít uống rượu bia khi cầm lái. Và mới đây trong bảng báo cáo về tình hình an toàn giao thông của Ủy ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia cũng có đề cập rằng, 85% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nam giới. Thế này thì có giải oan được cho chúng tôi không? (cười).
Liệu đó có phải điều hình thành nên “quyền lực mềm” của phụ nữ mà bấy lâu nay người ta thường nhắc đến?
Có dạo, một hãng xe hơi Hàn Quốc phải cất công mời nam diễn viên của bộ phim “Chuyện tình mùa đông” sang Nhật Bản để quảng bá cho mẫu xe mới. Lý do là bởi các chị em Nhật Bản đang chết mê chết mệt tài tử này, mà phụ nữ lại là “bộ trưởng bộ tài chính” trong gia đình, bộ này không duyệt thì làm sao mua xe.
Nói đùa vậy thôi, nhưng nhìn rộng ra, tôi không nghĩ “quyền lực mềm” là đặc quyền của phụ nữ, mà phải nói là từ phụ nữ, người ta hiểu về sức mạnh của “quyền lực mềm” – chính là sự thu phục từ bên trong, từ sự cuốn hút tự thân, chứ không phải bằng sự áp đặt, bắt buộc từ bên ngoài.
Nhưng không phải cứ là phụ nữ thì mặc nhiên là bạn có thứ “quyền lực” ấy đâu. “Quyền lực mềm” được tạo nên từ vẻ đẹp bên trong, từ sự tự tin, say mê và cả trong sáng nữa.
Cám ơn những chia sẻ của chị!
Bài MỸ KHÁNH Sản xuất HẠNH NGUYÊN
Nhiếp ảnh RAB LÊ Stylist TRƯỜNG AN
Trang điểm & làm tóc THẮNG TRẦN
Trợ lý HỮU TÀI Trang phục MANGO
Thiết kế ANH HOA
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP