Khi người Mỹ... không trầm lặng

Tạp chí Đẹp

Năm 2002, “Người Mỹ trầm lặng” – bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Phillip Noyce – chính thức được công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới. Bộ phim được quay tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều gương mặt đại diện cho nền điện ảnh Việt lúc đó đã là một tiếng vang, thu hút được sự quan tâm lớn từ công luận.

Sau 15 năm vật đổi sao dời, khi những người xưa đã thành cố nhân, khi bản hợp đồng cũng đã ráo mực, thì câu chuyện những người trong cuộc chọn kể không chỉ là chuyện nghề, mà là những hoài niệm, dư âm – dù có phần... chênh phô ở không ít tình tiết, nhưng lấp lánh trong đó vẫn là niềm tự hào, bởi họ đã tận hiến hết mình.

Còn “trầm lặng” hay không, đó là lựa chọn sống của mỗi người!

Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến

Phượng làm tôi nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18

Bài: Ngân An

Đỗ Thị Hải Yến là diễn viên người Việt đầu tiên sau năm 1975 được chọn vào vai nữ chính trong một bộ phim Hollywood (“Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce). Để nhận được vai diễn này, cô phải vượt qua hơn 2000 ứng cử viên khác. Những tưởng sau đó, Hải Yến sẽ vụt lên thành một gương mặt Châu Á tại Hollywood, nhưng không, cô lặng lẽ lui về “sân nhà”. Mỗi lần nghĩ về Phượng (nhân vật nữ chính trong “Người Mỹ trầm lặng”), cô lại nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18, bước qua hiểm nguy với một niềm tin ngây thơ và chút ảo tưởng vào đàn ông.

Phượng hiện ra với nhiều dáng vẻ như tôi đã tưởng tượng

15 năm đã qua, điều gì khiến chị nhớ nhất về Phượng trong phim “Người Mỹ trầm lặng”?

Thực ra là gần 19 năm rồi đấy, vì trước khi phim khởi quay năm 2001, tôi đã có 2 năm được tập cho thành Phượng rồi. Cũng như Phượng non nớt trong tiểu thuyết, mắc kẹt giữa một ký giả lịch lãm từ Anh Cát Lợi và một chàng bác sỹ người Mỹ bồng bột, tưởng “trẻ trâu” hóa ra lại đang âm mưu thổi bùng cuộc chiến Việt Nam. Cuối cùng, nàng vẫn thoát ra được khỏi mớ bòng bong đen tối, những trò chơi ái tính và mưu đồ chính trị của cánh đàn ông đơn giản chỉ vì nàng chưa tới đôi mươi, khờ dại chẳng suy tính, hệt như tôi vào tuổi ấy khi vào vai nàng. Giờ đây, mỗi lần nhớ về Phượng, tôi lại nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18, cái dại khờ hóa ra rất cần để họ bước qua mọi âm mưu, thậm chí là hiểm nguy với đôi chút ảo tưởng và niềm tin ngây thơ vào đàn ông...

Là bộ phim điện ảnh thứ hai trong sự nghiệp, nhưng là lần đầu hợp tác cùng đoàn làm phim Hollywood, lúc đó chị có chịu sức ép nào không?

Để chuẩn bị cho vai Phượng, đoàn phim đã gửi tôi sang Úc hai năm trước khi bấm máy. Tôi được luyện để nói thạo tiếng Anh và học kỹ thuật diễn cùng các giáo viên giỏi nhất. Trong hai năm đó, những lúc rỗi rãi, tôi lại đọc cuốn tiểu thuyết nguyên tác (“The Quiet American” của nhà văn Graham Greene). Cứ thế Phượng của tôi hiện dần lên trong tưởng tượng. Tôi thích cô ấy mặc áo dài in hoa như trong giấc mơ của tôi vào những trưa hè ở ký túc xá cũ kỹ của trường múa; tôi cũng thích cô ấy mặc đầm và nhảy múa tưng bừng… Cô ấy có thể uống rượu, và điên rồ như nhân vật nữ trong phim “Người tình” mà Jane March hóa thân. Thời gian quay ngoài hiện trường với tôi diễn ra trôi chảy vì dù sao đây cũng là một phim được vận hành và kiểm soát bởi Hollywood. Họ có đầy đủ tiền bạc, nhân lực, cùng sự chuẩn bị kĩ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất, diễn viên chẳng phải lo gì ngoài diễn cho thật tốt. Khi phim ra mắt, tuyệt vời là Phượng đã hiện ra với nhiều dáng vẻ như tôi từng tưởng tượng, thật lạ!

Cảnh quay nào khiến chị nhớ nhất?

Dù trong phim này, tôi thuộc về phần ái tình mềm mại và lãng mạn, là thứ ánh sáng mong manh nào đó trong đời những người đàn ông, nhưng về cơ bản với tôi, “Người Mỹ trầm lặng” vẫn là phim về bóng tối, nơi hận thù sinh sôi và gây ra nhiều bi kịch. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những cảnh quay đánh bom và súng đạn. Dù sự xuất hiện của tôi ở những cảnh này không nhiều và bối cảnh máu me đều là giả, nhưng tôi vẫn thấy thật kinh khủng.

Khi đóng “Người Mỹ trầm lặng”, chị mới 18 tuổi, vậy những cảnh làm tình nóng bỏng trong phim có làm khó chị không?

Chẳng cần nhiều động lực để vượt qua ngại ngùng vì ngay từ đầu tôi đã có có nhiều thiện cảm với đạo diễn Phillip Noyce. Phượng như bông hoa được ông nâng niu, trân trọng. Ông không có lí do gì đẩy bông hoa mong manh ấy vào tình huống phải lõa lồ, ngượng ngập… Và quả thực mọi thứ mà ông tạo nên quanh tôi hay chính xác hơn là Phượng của ông lúc đó, đều cho tôi cảm giác an toàn và được chăm chút đến độ tôi cứ thoải mái mà diễn. Ngay cả những cảnh được xem là nóng bỏng giữa tôi với quý ông Caine hay chàng trẻ tuổi Fraser đều trôi qua một cách tự nhiên, dễ chịu. Tôi không hề có cảm giác sợ hãi.

Không hề có chuyện tình cờ trở thành diễn viên chính trong phim Hollywood

Nhiều bài báo nói rằng vai Phượng đến với chị một cách tình cờ và dễ dàng. Nhưng đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ, để chị được chọn vào phim này, anh đã phải chuẩn bị rất vất vả cho nhiều vòng casting khác nhau?

Tất nhiên không có gì là dễ dàng hay tình cờ để trở thành diễn viên chính trong một phim mainstream của Hollywood, nhất là khi ta còn trẻ và gần như vô danh. Nhớ lại lúc ấy, tôi thấy mình cũng chẳng sống chết để có vai này. Tôi cũng không bị yêu cầu phải cast đi cast lại vì ngay từ đầu, tôi đã biết đạo diễn sẽ chọn mình rồi. Chỉ là khi ông ấy gạt đi nhiều cái tên nổi tiếng khác để chọn một cô bé non nớt quê mùa là tôi, có lẽ ông cũng cần phải tỏ ra rằng ông ấy cast kỹ rồi mới chọn… Đơn giản thế thôi!

Trước khi bộ phim bấm máy, giữa hai bên dường như có những bất đồng về cát-sê. Nguy cơ mất vai diễn dường như khiến chị suy sụp?

Năm ấy tôi mới 18 tuổi thôi nên chẳng có nhu cầu nhiều về tiền bạc, vì tôi lớn lên trong môi trường tập thể, ăn cơm căng tin, ít khi ra khỏi ký túc xá trường múa để biết đến việc tiêu tiền. Nếu khi đó, chỉ có mình tôi trước bản hợp đồng với Hollywood, có lẽ tôi đã ký mà không suy nghĩ gì. Nhưng đó là lần đầu tiên một diễn viên Việt Nam vào vai chính một phim lớn của Hollywood, rồi hết người này người khác khuyên nhủ, thành ra câu chuyện lại phức tạp. Tôi chủ yếu mệt mỏi vì điều đó hơn là chuyện tiền nong…

Nhờ vai diễn trong “Người Mỹ trầm lặng”, chị được bước vào một thế giới khác, rộng lớn hơn, lộng lẫy hơn. Sự choáng ngợp đó với cô gái 18 tuổi diễn ra thế nào?

Đó chính xác là câu chuyện về cô Lọ Lem gặp được hoàng tử đấy. Cô bé quê mùa, ngốc nghếch, là tôi lúc đó, có nằm mơ chắc cũng không dám mơ một giấc mộng huy hoàng đến vậy. Tôi lâng lâng trong một thời gian dài, mãi mới trở lại được mặt đất. Sau đó tôi nhận ra rằng, trong cổ tích có hoàng tử thì cũng có cả táo độc, chỉ khác là táo đến trước hay hoàng tử đến trước mà thôi…

Cửa đến Hollywood quá viển vông

Chị có thỉnh thoảng xem lại “Người Mỹ trầm lặng” không?

Không, tôi không thường xem lại các vai diễn của mình. Với tôi, các nhân vật tôi hóa thân luôn là một ai khác ngoài tôi. Tôi yêu họ nhưng không muốn gặp lại họ, vì biết đâu khi gặp, chúng tôi sẽ chán nhau hoặc nhận ra lỗi lầm của nhau. Hoặc tôi sẽ bị họ chê mập, già trong lúc họ thì cứ trẻ mãi, đẹp mãi…

Chị có thể nói gì về đạo diễn Phillip Noyce?

Đó là một quý ông trân trọng và dịu dàng với phụ nữ, làm gì cũng nghĩ đến gia đình. Ông ấy giống một người cha đáng kính vậy.

Chị nghĩ mình nhận được gì sau bộ phim này, ngoài sự nổi tiếng?

Tôi thấy mình quá may mắn vì có mặt trong một bộ phim như vậy. Tôi cứ nghĩ sau này khi con trai tôi có người yêu, nó có thể nói với người yêu rằng: “Em đừng nghĩ mẹ anh già xấu nhé, xem đi, mẹ anh ngày xưa đấy… Với tôi, thế là đủ.” (cười)

“Người Mỹ trầm lặng” đã mở ra cho chị khá nhiều cánh cửa, vậy tại sao chị lại để lỡ cơ hội trở thành một diễn viên Hollywood?

Sau “Người Mỹ trầm lặng”, trong rất nhiều cánh cửa mở ra, tôi cũng tìm được cho mình một cánh cửa êm đềm để bước vào. So với cánh cửa này, cửa đi vào Hollywood có thể quá viển vông và không chắc đã hay hơn đâu!

Nàng thơ

& những chiếc đũa thần

Bài: Bá Vũ

Nằm trong số ít người Việt tham gia dự án ngay từ ngày đầu, đạo diễn Bá Vũ được nhà sản xuất người Úc giao trọng trách tuyển diễn viên (casting) ở Việt Nam cho phim “Người Mỹ trầm lặng”. Là người phát hiện ra Phượng (nhân vật do diễn viên Đỗ Thị Hải Yến đóng – PV), nhưng anh thừa nhận chính những mối duyên gặp gỡ và ngôi sao may mắn đã giúp bộ phim có được một Phượng thuần Việt như trong nguyên tác văn học.

Кhe cửa hẹp để Phượng trở về Việt Nam

Thực tế, “Người Mỹ trầm lặng” đã được đưa lên màn ảnh từ rất sớm, ngay sau khi tác phẩm văn học ra đời, vào giữa thập niên 1950. Đó cũng là bộ phim nước ngoài đầu tiên quay ở Sài Gòn. Khi công chiếu vào năm 1958, bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Joseph L.Mankiewicz chỉ thu được thành công hết sức khiêm tốn. Và điều hết sức khó hiểu của phiên bản phim năm 1958 là vai Phượng lại được giao cho Giorgia Moll – một cô đào người Ý.

Thông tin tiểu thuyết nổi tiếng “The Quiet American” của nhà văn Graham Greene sẽ được chuyển thể lên màn ảnh lần thứ hai đã râm ran từ đầu thập niên 90. Nhưng vì lí do kinh phí, dự án phải hoãn tới hoãn lui, mãi đến cuối năm 1999 mới chính thức được khởi quay.

Công việc casting của tôi là tìm các vai diễn phụ người Việt và đặc biệt là tìm ra Phượng – vai nữ chính của phim. Phượng phải nói tiếng Anh nên tôi không chắc nhà sản xuất sẽ chọn một Phượng nào đó ở Việt Nam. Ngoài ra, nhiệm vụ casting cũng được triển khai ở tất cả các nước có cộng đồng người Việt sinh sống như Mỹ, Anh, Pháp, Úc...

Vào thời điểm ấy, cô đào gốc Á Lucy Liu đang nổi đình nổi đám với bộ phim “Những thiên thần của Charlie” (Charlie’s Angels). Phương án chọn Lucy Liu đóng vai Phượng được xem là khả thi nếu tính đến góc độ thương mại. Và cùng lúc này, đạo diễn Phillip Noyce cũng tổ chức casting ở Pháp. Ông có ý chọn diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan cho vai diễn này. Linh Đan nói thành thục tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, và đã từng đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Oscar “Đông Dương” (1992).

Tôi hiểu, cơ hội để tìm được Phượng ở Việt Nam là vô cùng hiếm hoi.

Кhi “nàng thơ” gõ cửa…

Một trong những người tôi mời đến văn phòng casting ở Hãng phim Giải Phóng là diễn viên Ngô Quang Hải. Sáng hôm đó, Hải là người tôi gặp cuối cùng, nên tôi và anh có nhiều thời gian trò chuyện. Một lúc sau, có cô gái nhỏ nhắn gõ cửa. Cô hơi bực mình vì Hải để cô chờ ở ngoài khá lâu. Hải giới thiệu với tôi đây là Hải Yến, người yêu anh.

Tôi chú ý đến Yến ngay từ lúc cô bước vào. Yến ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép và lịch sự. Cô gần như không trang điểm gì, ăn mặc cũng đơn giản, không có gì nổi bật. Nhưng tôi lại rất ấn tượng với vẻ đẹp giản dị của Yến, càng nhìn càng thu hút. Yến mảnh dẻ, cổ cao, vai gầy… nhìn giống những tiểu thư đài các thời đầu thế kỷ 20. Qua cách nói chuyện, tôi thấy rõ Yến là kiểu người con gái cần được dựa dẫm và chở che bởi một người đàn ông mạnh mẽ, y như nhân vật Phượng trong tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”.

Tôi hỏi Yến có muốn casting vai Phượng không. Yến ngần ngừ rồi nhìn qua Hải. Hải có vẻ rất hào hứng, còn Yến xem ra không mấy mặn mà. Nhưng vài ngày sau, Yến đã thay đổi thái độ hoàn toàn, có lẽ do tác động của Hải, hoặc cô đã nhận thức được tầm quan trọng của bộ phim.

Tôi tìm đến nhà Yến để hướng dẫn cô những gì cần làm trong buổi casting. Yến đưa cho tôi xem một vài mẫu áo dài mà cô có và nhờ chọn. Tôi chọn chiếc áo dài lụa đơn giản màu vàng đất. Và Yến đã mặc chiếc áo dài này, từ lúc bắt đầu casting cho đến khi được chọn.

Câu chuyện “bia kèm lạc” hay phép thử liều lĩnh của đạo diễn

Ngay lần đầu gặp bà Christine King - giám đốc casting của dự án, ngoại hình và vẻ đẹp mong manh của Yến đã gây được ấn tượng tốt, cô được chọn vào danh sách rút gọn (short list). Nhưng lần thử vai chính thức tại khách sạn Majestic, tôi sửng sốt khi chỉ mới nói được 2 câu thoại bằng tiếng Anh, Yến đột ngột dừng lại và nước mắt chảy dài không thể diễn tiếp. Yến nói: “Em không chịu nổi áp lực, trong đầu em chỉ nghĩ đến thất bại, và như thế sẽ phụ sự kỳ vọng của anh Hải, của mọi người…”. Trong đầu tôi khi đó hiện ra hai chữ: “Tiêu rồi!”.

Tuy nhiên, trước khi lên đường trở lại Úc để hội kiến với đạo diễn Phillip Noyce, bà Christine King khẳng định sẽ cố gắng hết sức tiến cử Yến. Khoảng một tuần sau, bà Christine gọi thông báo để tôi sắp xếp buổi gặp gỡ giữa đạo diễn Phillip Noyce và hai diễn viên Việt Nam được nhắm đến, Hải Yến (vai Phượng) và Mai Hoa (vai Hải, chị của Phượng). Niềm vui của tôi bỗng nhiên được nhân đôi.

Đạo diễn Phillip Noyce tiếp xúc với Yến nhiều lần trước khi đưa ra quyết định, đương nhiên lần nào cũng có sự tháp tùng của Hải. Người đạo diễn kỳ cựu đủ tinh tế để hiểu tầm quan trọng của Hải đối với Yến, vậy là ông bí mật nói với bà Christine King: Nếu chọn Yến đóng vai Phượng, thì sẽ cho Hải đóng một vai trong phim để Yến được toàn tâm toàn ý với bộ phim.

Song, cùng với quyết định chọn Yến, đạo diễn Phillip Noyce cũng phải đối diện với một “chướng ngại vật” cực kỳ quan trọng và quyền lực, đó là các nhà sản xuất, nhất là khi họ đang nhắm cô đào Lucy Liu cho vai Phượng. Lý lẽ Phillip Noyce đưa ra nhằm thuyết phục họ là: Về mặt thương mại, phim đã có Brendan Fraser (đang rất nổi tiếng với phim “Xác ướp Ai Cập” - The Mummy), về mặt nghệ thuật thì đã có tượng đài Michael Caine (diễn viên từng đoạt 2 giải Oscar), vậy hãy cho ông cơ hội để chọn Phượng là một cô gái người Việt, đúng với nguyên bản của tiểu thuyết.

Phải công nhận rằng, Yến có ngôi sao may mắn chiếu mệnh. Khởi đầu thì có người phụ trách casting (là tôi) hỗ trợ, có người yêu Quang Hải luôn bên cạnh chỉ bảo, động viên. Đến khi nhập cuộc thì có giám đốc casting Christine King tận tình tiến cử, và quan trọng nhất là sự bảo vệ đến cùng của đạo diễn Phillip Noyce. Cuối cùng thì các nhà sản xuất đã đồng ý ký vào bản hợp đồng để Đỗ Thị Hải Yến chính thức được đóng vai Phượng. Và phần còn lại là lịch sử…!

Đạo diễn Ngô Quang Hải

Đối với tôi, Phượng phải khác

Bài: Ngân An

Đến với “Người Mỹ trầm lặng” để thử vai diễn, đạo diễn Ngô Quang Hải không ngờ mình đã tạo nên một thay đổi lớn cho bộ phim. Sau những đổ vỡ đáng tiếc của cuộc hôn nhân, anh khá cẩn trọng khi nói về quá khứ. Bài phỏng vấn này là những chia sẻ bên lề của anh về bộ phim, sau rất nhiều năm lặng tiếng.

Người Mỹ trầm lặng” là môi trường làm nghề quý giá

Vai tướng Thế trong “Người Mỹ trầm lặng” đến với anh như thế nào?

Ban đầu tôi được mời casting vai trợ lý của ông Thomas Fowler (do Michael Caine thủ vai – PV) nhưng sau đó, khi đoàn phim cân đối lại, tôi được mời vào vai tướng Thế.

Tham gia một bộ phim Hollywood nhưng vai tướng Thế dường như chẳng mấy tác động đến sự nghiệp điện ảnh của anh?

Hoàn toàn chính xác. Thật ra, tôi không mấy quan tâm đến diễn xuất. Ngay từ khi bước vào trường Điện ảnh Hà Nội, tôi đã muốn học làm phim. Trước khi đến với “Người Mỹ trầm lặng”, tôi từng làm việc với nhiều đạo diễn Việt Nam như chú Đặng Nhật Minh, Lưu Trọng Ninh, Lê Đức Tiến, Vương Đức, Vũ Xuân Hưng… ở nhiều vị trí như diễn viên, trợ lý.

Những năm 90 cho đến đầu 2000, tôi có dịp tham gia một số phim hợp tác với Pháp (“Miền Nam xa xưa” – “Sud Lointain”), với điện ảnh Hàn Quốc (“Tạm biệt Sông Ba” – “Farewell To Song Ba”), và đóng trong hai bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (“Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”). Tôi đã cố gắng tìm hiểu tư duy cũng như cách làm phim của Trần Anh Hùng, và có ý định đi Mỹ để học.

Sự xuất hiện của phim “Người Mỹ trầm lặng” khiến tôi nhận ra cơ hội vàng để áp sát công nghệ làm phim của Hollywood là đây. Cho đến giờ, với tôi, “Người Mỹ trầm lặng” là môi trường làm nghề quý giá trong sự nghiệp của mình, dù ở đó tôi phải căng tai căng mắt để nghe, để hiểu người ta nói gì. Bộ phim đã tạo ra nhiều thay đổi trong sự nghiệp của tôi, không phải với tư cách diễn viên mà là quá trình đạo diễn và sản xuất phim.

Nghĩa là anh đã lĩnh hội được rất nhiều từ ê-kíp làm phim “Người Mỹ trầm lặng”, đặc biệt là đạo diễn Phillip Noyce?

Khi Hải Yến được chọn vào vai Phượng, tôi và ông Phillip Noyce đã có những cuộc nói chuyện riêng. Tôi nhớ mình đã nói: “Tôi muốn Yến thành công và tôi tin là ông cũng muốn bộ phim của ông thành công… Xin ông giúp tôi biết cách làm phim”. Vài ngày sau, tôi xin ông ấy 30 phút để đọc kịch bản đầu tay của mình. Ông Phillip cho phép tôi đặt 10 câu hỏi mỗi ngày, nhưng phải bí mật.

Những ngày đầu tôi rất hào hứng nhưng sau đó, thấy ông ấy phải xử lý quá nhiều việc và sợ mình làm phiền ông, nên tôi đã tự ý rút lại những thắc mắc của mình, chỉ khi nào thật cần thiết mới hỏi. Thay vào đó, tôi quan sát cách ông làm việc và giao tiếp với những người trong đoàn.

Vậy anh nhận xét gì về vị đạo diễn nổi tiếng này?

Phillip Noyce là người có trái tim lớn. Trong một cảnh quay nổ bom tại Nhà hát Lớn thành phố (cảnh này quay bằng 6 camera ở các góc độ khác nhau), đạo cụ tại hiện trường có cả lòng heo, trời nắng nên chúng bốc mùi kinh khủng, còn diễn viên quần chúng thì phải nằm la liệt dưới nắng gắt. Nhận thấy khó khăn của diễn viên, ông cầm loa nói to: “Tất cả các diễn viên, cho tôi một lần nữa được cảm ơn các bạn. Chúng ta đang tái hiện lại một phần lịch sử Việt Nam. Và ngay lúc này, vai trò của các bạn còn quan trọng hơn hai người đứng cạnh tôi là Michael Caine và Brendan Fraser. Tôi đề nghị tăng cát-sê cho những người đang nằm ở đây”. Đó là bài học lớn tôi học được. Một đạo diễn phải thật sự có tấm lòng với những người đang làm việc với mình.

Vai tướng Thế không phải là đính kèm

Đồng hành cùng anh đến buổi casting là Hải Yến, ở thời điểm ấy, sự lựa chọn của nhà sản xuất cho vai Phượng có đến bất ngờ như cách người ta vẫn kể?

Yến cùng tôi đến buổi casting, bà Christine King (giám đốc casting phim) nhìn thấy Hải Yến và xin tôi ảnh của cô ấy. Ngay lập tức, tôi từ chối vì hiểu cái nghề mình đang theo đuổi vất vả thế nào. Yến lúc đó là bạn gái của tôi, tôi không muốn cô ấy phải khổ. Nhưng sau một hồi bị thuyết phục, tôi hứa sẽ đưa ảnh Yến cho bà. Tuy nhiên, tôi cười và bảo bà hãy thay đổi yêu cầu về diễn viên chính trên thông báo tuyển diễn viên, “một cô gái tóc dài, có nụ cười xinh và làn da trắng” - chỉ có hình thức, không có nội dung.

Yến lúc đó không biết tiếng Anh, chỉ có thể đọc thuộc lòng chứ không hiểu gì. Đi casting, có người thuê áo dài mấy triệu, còn áo dài của Yến do tôi đi mượn. Biết Yến là người có cổ và bờ vai đẹp, tôi đã tập cho cô ấy một cảnh trong phim để đi casting. Tới buổi thử vai, cô ấy chỉ cần cười và nói một câu rất ngắn. Sau này, cảnh Yến ngoái đầu lại được chọn làm poster của phim. Khá vất vả chúng tôi mới qua được vòng 1.

Sau đó, đạo diễn Phillip Noyce trực tiếp bay từ Mỹ về. Tôi còn nhớ lần gặp đầu tiên, khi ông hỏi Yến có khỏe không thì cô ấy trả lời: “Tôi muốn uống Cocacola!” và ông cười phá lên. Mỗi lần gặp đạo diễn Phillip Noyce, tôi lại nhắc Yến để một kiểu tóc khác nhưng đơn giản thôi vì vẻ đẹp của Phượng trong phim được ví như cây cỏ.

Ở vòng thử vai cuối cùng, đạo diễn Phillip Noyce hỏi tôi: “Hải Yến có hợp với vai Phượng không?”, “Anh nghĩ Yến nên vào vai này vì anh yêu cô ấy?”. Tôi cười trừ và trả lời, cô ấy hợp vì có thần thái của Phượng.

Vậy anh có nhận xét gì về diễn xuất của Hải Yến trong phim?

Đối với tôi, Phượng phải khác… Đó là một nhận xét rất vô tư về điện ảnh chứ không ác ý gì!

Anh nói gì về tin đồn nhờ Hải Yến nên anh mới có được vai tướng Thế?

Không bao giờ có chuyện kèm như vậy. Các nhà làm phim nước ngoài rất rõ ràng và sòng phẳng, họ chỉ làm những gì tốt cho công việc thôi.

Sau này khi ra mắt phim tại một số nước, trước những tình huống khó khăn, tôi đã phải đối diện với những câu hỏi rất khó và buộc phải trả lời giúp Yến. Tôi nhớ, có một phóng viên nước ngoài hỏi Yến rằng: “Thưa cô, chúng tôi được biết, vai Phượng, như miêu tả của Graham Greene có vẻ đẹp của hoa lá cây cỏ, nhưng trong phim cô ấy là một gái điếm và cô ấy yêu hai người đàn ông một lúc. Vậy cô hiểu biểu tượng đó như thế nào?”.

Yến không trả lời được và tôi thay mặt cô ấy trả lời: “Hải Yến còn quá nhỏ để biết như thế nào là biểu tượng. Tôi cũng chỉ biết ý nghĩa của từ đó qua từ điển nhưng gia đình tôi và những người xung quanh đã có quá nhiều mất mát trong chiến tranh, song họ vẫn luôn lạc quan hướng đến tương lai. Trở lại với Phượng trong phim, cái quan trọng nhất với người phụ nữ là tình yêu. Không phải cô ta yêu ai hay yêu bao nhiêu người mà suy nghĩ về tình yêu của cô ấy như thế nào, cách cô ấy tiếp nhận tình yêu và giữ được vẻ đẹp trong sáng đó”. Mọi người nghe xong thì vỗ tay rầm rầm.

Lời đồn tôi hét giá cát-sê là một câu chuyện thêu dệt

Còn chuyện cả hai suýt bị hủy vai vì đòi nâng giá cát-sê, thực hư câu chuyện ấy như thế nào?

Đó là chuyện thêu dệt. Thực tế, cả quá trình đàm phán về cát-sê cũng rất khủng khiếp. Đến nỗi, diễn viên Michael Caine khi biết chuyện còn hỏi tôi tại sao không thuê luật sư mà lại thương thảo một mình. Tôi đã không biết là ký hợp đồng với nhà sản xuất lại phức tạp đến thế, dù trước đó tôi đã từng va chạm nhiều.

3 ngày trước khi rời Úc về Việt Nam, chúng tôi bắt đầu bàn về hợp đồng. Họ áp đặt con số 50.000 đô Úc và nói nếu không đồng ý, tôi và Yến có thể trở về Việt Nam ngay lập tức. Nghĩa là chúng tôi không có quyền đàm phán. Đương nhiên tôi không đồng ý. Họ gây sức ép liên tục, bắt chúng tôi phải trả lời. Khi thấy chúng tôi không đổi ý, họ nói sáng mai sẽ để chúng tôi về Việt Nam và trả 5.000 đô Úc cho chi phí sang đàm phán.

Cả tối đó, Yến cứ nằm trên giường và khóc. Tôi hỏi Yến có tức không, cô ấy nói có. Yến không chịu nổi cách người ta không cho cô ấy được nói. Tôi lại hỏi Yến có tiếc không nếu mất vai diễn này, cô trả lời nếu nói không là nói dối.

Sáng hôm sau, họ trả thêm 5.000 đô nữa. Lúc đó, tôi chỉ yêu cầu bà Christine King khoan nói về con số mà hãy nhìn Yến, xem những áp lực này đã hành hạ cô ấy như thế nào. Số tiền đó rất quý nhưng đừng đối xử với chúng tôi như thế.

Bà ấy nói muốn ký hợp đồng vai tướng Thế với tôi trước. Tôi nhắc để bà ấy không quên câu chuyện lúc này không phải là tôi, mà về cát-sê của Yến… Khi bà ấy nói sẽ thêm 5.000 đô nữa cho vai Phượng, tôi đứng dậy ngay và tuyên bố: “Câu chuyện của chúng ta kết thúc ở đây. Chúng tôi đến đây vì muốn cống hiến điều gì đó cho bộ phim chứ không phải là chịu áp bức”. Cứ thế, con số tăng dần lên đến 80.000 đô. Tôi trả lời, nếu vẫn giữ cách đàm phán đó thì con số tôi đưa ra là 500.000 đô. Và ngay lập tức, có lời đồn tôi hét giá cát-sê.

Khi tôi gặp đạo diễn Phillip Noyce, ông ấy hiểu những gì chúng tôi muốn. Ông ấy quyết định số tiền cát-sê sẽ là 150.000 đô (chưa trừ thuế), chúng tôi sẽ nhận trước 35.000 đô, số còn lại sẽ trả sau khi phim có lời. Tiếc là phim không có lời.

Vậy mà người ta vẫn nói vì anh kìm hãm nên sự nghiệp đóng phim của Yến không thể tiến xa hơn ở Hollywood?

Tôi là người muốn cô ấy nổi tiếng hơn ai hết. Sau “Người Mỹ trầm lặng”, Hải Yến có casting thêm phim “Hồi ức một geisha”. Tôi là người đích thân đưa cô ấy đến Chợ Lớn, hay ra tận Vũng Tàu để quay thử rồi gửi sang casting, nhưng không được nhận vai. Yến khá sốc về chuyện này. Để an ủi cô ấy, tôi bảo: “Em sai rồi, để có vai trong phim Hollywood không chỉ cần tài năng mà còn cần thị trường và nhiều yếu tố khác”. Khi biết diễn viên Chương Tử Di được nhận vai, tôi nói với Yến: “Hãy đặt mình vào vị trí của Chương Tử Di, nếu cô ấy cũng casting vai Phượng và thất bại”. Lúc đó, tôi hiểu Yến nghĩ gì.

Tổ chức: Việt Tú

Khi người Mỹ... không trầm lặng
  1. Section 5
  2. Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến
  3. Nàng thơ
  4. Đạo diễn Ngô Quang Hải