Mắt Biếc
Tháng năm nào trôi, để nhớ nhung hoài
Ở Việt Nam có hai “Mắt biếc”. Một của Nguyễn Nhật Ánh và một của Ngô Thụy Miên. Chẳng biết Nguyễn Nhật Ánh có nghe ca khúc của Ngô Thụy Miên khi sáng tác câu chuyện của mình hay không, ít ra thì chưa thấy ông từng nói vậy, thế thì cứ cho không hẹn mà cùng, cả hai “Mắt biếc” đều là những đoạn tình, những đoạn tình không thành, những đoạn tình đã theo gió cuốn đi mãi mãi.
“Mắt biếc năm xưa nay đâu, cảnh sao còn đây, tóc mây nào bay. Phố vắng mênh mang mưa rơi, giấc mơ nào nguôi, tình đã phai rồi…”. Ngô Thụy Miên nói “Mắt biếc” là một trong những bản tình ca ông ưng ý nhất, nó cũng là bản tình ca cuối cùng của ông viết tại Sài Gòn trước 1975. Ông bảo những nhạc sĩ trước, sau, cùng thế hệ, họ viết về rất nhiều đề tài phong phú, còn riêng ông, chỉ xin được nhớ như một người viết tình ca không hơn không kém.
Mắt Biếc” và Nguyễn Nhật Ánh. “Mắt Biếc” có lẽ là một trong những sáng tác hay nhất, đẹp nhất, rung cảm, day dứt nhất mà Nguyễn Nhật Ánh từng viết nên. Còn bản thân ông, bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp vào khoảng những năm 1980 (truyện dài đầu tiên được in của ông là vào năm 1984, cuốn “Trước vòng chung kết”), thời điểm ấy, những văn sĩ cùng thế hệ như Lê Lựu, Ma Văn Kháng đặt tâm huyết vào vấn đề dân tộc, lịch sử, cuộc sống thời hậu chiến. Đến những năm 1990, khi văn chương Việt có Phan Thị Vàng Anh dữ dội và tinh quái, có sự trở lại của Hồ Anh Thái độc đáo và thâm trầm; thì Nguyễn Nhật Ánh, ông vẫn vậy, vẫn trung thành với những câu chuyện nên thơ, sáng trong về tình yêu đầu đời như “Mắt Biếc”, “Hoa hồng xứ khác”. Và đến tận bây giờ, dù cuộc sống đã đi qua thêm 3 thập kỷ, đã đổi khác biết bao nhiêu, văn học cũng đã khác nhiều, nhưng những nhân vật, những câu chuyện của Ánh vẫn dừng lại ở những năm tháng hoa niên tươi đẹp.
Bạn thậm chí có thể gọi Nguyễn Nhật Ánh là một auteur, theo kiểu người ta vẫn sử dụng trong điện ảnh (tác giả văn học trong tiếng Anh là author còn tác giả điện ảnh thì lại là auteur, một từ được mượn từ tiếng Pháp). Một auteur luôn có, thậm chí chỉ có một vùng sáng tạo đặc trưng của riêng mình. Vùng sáng tạo của Ánh là cõi nhân gian trong đôi mắt trong veo của những lũ trẻ con thơ dại, hay những người lớn đã từng là lũ trẻ con thơ dại ấy.
Trong “Mắt Biếc” có một ngôi làng nơi xứ đồng nội mộng mơ, trong ngôi làng đó có hai người: một cô bé với đôi mắt đẹp vô cùng, khiến người ta “nhớ tới bầu trời và những dòng sông”, “những ước mơ dịu dàng về tình yêu”, và một cậu bé yêu đôi mắt ấy. Ngạn – tên cậu bé - gọi cô là “Mắt Biếc”.
Họ đã lớn lên, cùng nhau, giữa những rừng sim tím biếc, giữa những đồng cỏ trải dài tới thung lũng xa xăm, dưới những mái nhà bằng gạch, bằng vách tre, mái lá, trong tiếng rúc rích phát ra từ tổ chim chào mào trên ngọn tre xanh, dưới tán cây bàng, cùng với đó là tiếng guitar sáu dây bập bùng của Ngạn, những bài hát cậu viết cho cô, mà vì sợ thẹn, nên luôn nói rằng chúng là của Trịnh Công Sơn hay Cung Tiến. Và tất cả chừng ấy hồi ức đều được thắp lên như đóa hoa phượng vỹ đỏ rực của những ngày hè. Chỉ là, cuối cùng phượng vỹ cũng sẽ cháy rụi thành tro than, và mùa hè cũng không giữ nổi.
Mùa hè, nghe trong nó đã có sự chia ly. Đâu phải riêng Nguyễn Nhật Ánh là viết về những tình yêu của mùa hè rạo rực? Cesare Pavese cũng gọi mùa hè là “la belle estate”, mùa hè tươi đẹp. Andre Aciman cũng kể câu chuyện của mùa hè trong “Call me by your name”. Cao hơn nữa, William Shakespeare đã chắp bút “A Midsummer Night’s Dream”, giấc mộng đêm hè. Mùa hè, có phải chăng luôn là một cơn mộng mị? Khi Mắt biếc leo lên chiếc xe Yamaha cùng người con trai thị thành bảnh tỏn, Ngạn quay đầu, đạp chiếc xe cũ, nhớ về lời bài hát ngày nào cậu viết:
Gửi mùa hè
Giữ hộ chút tình yêu
Khi chia xa
Vẫn nhớ ngày gặp lại
Lúc ấy
Em có là cô gái
Đốt tôi bằng ngọn lửa
Của riêng em?
Có lẽ Ngạn đã mãi mãi dừng lại ở mùa hè đấy. Cuộc đời cậu rồi khi lớn lên, khi già đi, khi đã trở thành một thầy giáo 30 tuổi, nhưng vùng ký ức nơi có đôi mắt biếc hình như chưa bao giờ già đi, chưa bao giờ hư hao, chưa bao giờ mờ ẩn. Nếu như thực sự có một nhà ga, một đoàn tàu dẫn về hồi ức, nếu như thật sự có những chiếc “vé đi tuổi thơ”, có lẽ Ngạn sẽ là người lữ khách cuối cùng khi tàu về ga cuối. Đoàn tàu ấy đi vòng. Nó vòng về rừng sim xưa, hoàng hôn xưa, ngôi trường xưa, và kể cả Trà Long cũng là mắt biếc xưa, vẫn là đôi mắt biếc nơi người mẹ của mình.
“Em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời!”, vậy mà trong 30 năm, tức một nửa cuộc đời mình Ngạn đã sống bằng mối tình, rồi tiếp đó là ký ức về duy mối tình đơn phương ấy.
Và rồi “Mắt Biếc” năm nào sau đau thương, bội phản của người đàn ông thị thành lại đứng lên để lại yêu lần nữa. Và rồi những người quen cũ của Ngạn, những người thầy cũ đã tuổi tác chất chồng, còn những người bạn cũ, có người đã chết, có người đã xa, có người tới thành phố một đi không trở lại, có người trở thành phế binh với đôi chân cụt, ngày hôm qua đó đã tản mác khơi xa; chỉ còn Ngạn đứng lại, dường như không hề, chưa hề chuyển động khỏi bờ bến cũ, mãi mãi neo đậu trong những mùa hè ngây dại.
Cũng có người từng hỏi rằng, tại sao sau bao nhiêu năm, thời cuộc đã đổi khác nhiều, văn chương thế giới cũng đã tiến hóa theo những chiều kích không tưởng, vậy mà ở Việt Nam, vẫn chỉ có Nguyễn Nhật Ánh là người luôn được tất cả mọi người đón đợi? Tại sao không có một quái tượng văn học hiểm hóc hơn, gai góc hơn, đả phá hơn? Chẳng phải nếu cứ mãi là Nguyễn Nhật Ánh thì đời sống văn chương sẽ… tẻ nhạt lắm ru?
Câu hỏi đó, tôi cứ ngỡ rằng không cần giải đáp bởi đã quá rõ ràng. Như Đỗ Trung Quân trong một tản mạn về Nguyễn Nhật Ánh nhiều năm trước trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần có bảo: “Suốt tuổi hoa niên tôi có nhiều tật xấu, trừ một điều: không bao giờ ném đá vào những người điên.” Và rồi ông nói về “Thiên thần nhỏ của tôi” – một truyện dài của Ánh cũng ra mắt cùng năm với “Mắt Biếc” (1990) – một thiên truyện cũng về một cô bé mãi mãi lạc thời, mãi mãi kẹt trong những hồi tưởng và kỷ niệm không có thật. Và đó, Nguyễn Nhật Ánh không bao giờ “ném đá” vào những kẻ “điên”, những kẻ luôn tìm về quá khứ và trú ẩn trong quá khứ. Thế giới trong đôi mắt những kẻ ngốc nghếch đó luôn có một tấm màn phủ mờ những tội lỗi và rạn vỡ, những khốn khổ và trái khoáy, những độc địa của hoàn cảnh, những đau thương của việc trưởng thành. Tấm màn ấy chính là tình yêu con người, yêu thuần khiết.
Ánh không duy lý. Câu chuyện của ông không bao giờ là câu chuyện duy lý. Ông duy tình. Và người Việt Nam thì duy tình, duy ký ức. Những nghệ sĩ Việt Nam nhất hình như đều như vậy, dù ở lĩnh vực nào đi chăng nữa. Tôi nhớ ông Hòa trong cuốn phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã luôn hoài niệm về căn nhà nơi gia đình ông từng ở, đã luôn ám ảnh về nó, cũng như Ngạn đã luôn ám ảnh về đôi mắt của cô bạn gái đã cùng mình đi suốt bao dặm đường trong ngôi làng nhỏ Đo Đo.
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng”. Những thân phận của Ngạn, của Mắt biếc, của Trà Long cũng hữu hạn thôi. Họ xoay trong đời sống và bị vầy vỏ bởi tháng năm, bởi đô thị hóa, bởi những lầm lỗi của tuổi trẻ hay những thất vọng của cuộc đời, nhưng ở một khoảng không nào đó vẫn trú ngụ những ký ức về tình yêu đầu đời, sáng lấp láng như ánh dương mùa hạ.
Bài HIỀN TRANG Thiết kế UYỂN QUÂN
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP