Mai Ngô
Mẹ cực khổ gấp trăm lần những gì Mai phải đối mặt ở hiện tại
Người mẹ Việt luôn gắn với hình ảnh hy sinh, tần tảo, lo toan… Để con được khôn lớn trưởng thành, Mẹ luôn phải vất vả sớm hôm. Mỗi bước con đi trên đường đời đều có sự hy sinh của Mẹ.
Đẹp xin gửi đến độc giả chuyên đề “Thanh xuân của mẹ”, do chính các cô gái/ chàng trai tài năng của showbiz Việt viết về người Mẹ của mình, để cùng nhìn lại thanh xuân rực rỡ của Mẹ - Người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự thành công của họ.
THẦN TƯỢNG CỦA THẦN TƯỢNG
Nếu có ai hỏi người Mai thần tượng là ai? Câu trả lời của Mai luôn luôn là “Mẹ” - người mà Mai chỉ biết gọi bằng 2 từ “vĩ đại”. Một người phụ nữ với ước muốn như bao người phụ nữ khác: Tìm một cuộc sống bình yên và giản dị nhưng phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh...
Ngay từ khi mới 5 tuổi mẹ đã phải tự lập vì bà ngoại của Mai mất sớm. Khi lớn lên, tuổi thanh xuân của mẹ vô cùng khó khăn và gian khổ. Mẹ phải đổi qua rất nhiều nghề để có thể gánh vác gia đình, từ cô giáo mẹ chuyển sang kinh doanh, bán bảo hiểm... Cuộc sống gia đình liên tục gặp sóng gió, ba của Mai mất trong một tai nạn, một mình vất vả nuôi hai con nhỏ nhưng mẹ vẫn lạc quan, mạnh mẽ chèo chống nuôi dạy hai chị em Mai nên người.
MẸ ĐI QUA MỌI GIAN KHÓ ĐỂ NUÔI HAI CHỊ EM NÊN NGƯỜI
Với 10 năm ký ức trong nghề nhà giáo, mẹ đã học được như thế nào là bản chất con người và sự hoàn thiện cần có, chính vì vậy, mẹ luôn biết cách dạy dỗ Mai sống như thế nào là đúng với chính bản thân, sống đúng để biết trân trọng những người yêu thương xung quanh mình và trong xã hội.
Rồi có lúc, cuộc sống có những biến chuyển cùng nhiều điều không mong muốn xảy ra, có thể khiến ít nhiều khán giả từng yêu thương ủng hộ Mai Ngô hết lần này đến lần khác không khỏi hiểu lầm về tính cách và phẩm chất của một cô người mẫu trẻ có quá nhiều năng lượng như Mai.
Cho đến bây giờ, trong mọi hoàn cảnh éo le như thế, mẹ vẫn là người duy nhất bên cạnh, chứng kiến những lần con bị vấp ngã, thấu hiểu con ở mọi hoàn cảnh, không một chút hoài nghi, la mắng, mà thay vào đó là những lời bênh vực, chia sẻ đồng cảm để Mai lạc quan hơn. Song mẹ cũng luôn tạo cơ hội để Mai cố gắng sửa chữa, để nhìn nhận, để tốt lên từng ngày...
Mẹ luôn tiếp sức và dẫn dắt Mai như vậy, nhờ đó mà Mai vượt qua khó khăn lúc nào không hay.
MAY MẮN NHẤT TRONG ĐỜI, LÀ ĐƯỢC LÀM CON CỦA MẸ
Ngay cả khi Mai muốn dừng thi một chương trình truyền hình thực tế, mẹ cũng là người hướng dẫn cho Mai cách viết đơn, cách trình bày những bức xúc và suy nghĩ cá nhân để giãi bày những vấn đề gặp phải dẫn đến việc Mai quyết định dừng cuộc thi.
Mai luôn lấy mẹ làm tấm gương cho sự đứng dậy từ những vấp ngã, thất bại. Bởi hơn ai hết, Mai luôn hiểu được rằng, để có được cuộc sống như ngày hôm nay, mẹ còn cực khổ hơn gấp trăm lần những gì Mai phải đối mặt ở hiện tại. Và Mai nghĩ mình cũng sẽ phải như mẹ, phải thật mạnh mẽ, bản lĩnh và luôn luôn ghi nhớ rằng: “Điều gì không thể giết chết chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn.”
Không chỉ là về cách dạy dỗ con cái, mẹ luôn là người biết thấu hiểu và là hậu phương vững chắc cho con đường sự nghiệp của Mai. Vốn dĩ tiếp xúc với nhiều công việc xã hội từ rất lâu nên cách nhìn của mẹ về cuộc sống hay những thứ đang diễn ra xung quanh thoáng hơn và thoải mái hơn. Vì thế việc chọn theo con đường nghệ thuật của Mai chưa bao giờ gặp áp lực từ gia đình, thậm chí còn nhận được rất nhiều sự ủng hộ và giúp đỡ từ chính mẹ. Đây là một điều vô cùng may mắn đối với bản thân Mai, đồng thời cũng là sự tự hào vì có một người như vậy là mẹ.
Dù ở thời điểm hiện tại, vì lý do công việc nên hai mẹ con không thể ở gần nhau hằng ngày nhưng mẹ vẫn luôn chăm sóc Mai rất chu đáo, hàng ngày mẹ nấu rất nhiều món ăn ngon, mua rất nhiều hoa quả gởi trợ lý mang lên cho con gái. Mai luôn cảm nhận được rằng, dù Mai ở bất kỳ nơi đâu, vẫn có mẹ luôn theo sát mỗi ngày.
Và sau tất cả, mẹ luôn muốn hướng hai chị em Mai đến những điều đẹp đẽ từ thái độ sống lạc quan, không cần âm mưu toan tính, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì “sau cơn mưa, trời lại sáng”.
8 TRANG THƯ TAY VỀ MỘT THỜI THANH XUÂN RỰC RỠ MÀ GIAN KHÓ
Khi tổ chức chuyên đề “Thanh xuân của mẹ”, Đẹp đã mời người mẫu Mai Ngô chia sẻ về mẹ với mong muốn mang đến cho độc giả những thông tin thú vị về người mẹ của các cô gái nổi tiếng. Và thật bất ngờ, Đẹp đã nhận được lá thư viết tay vô cùng xúc động của mẹ Mai Ngô kể về thời thanh xuân chuân chuyên gian khổ của bà.
Tuy vậy, bà lại là người vô cùng mạnh mẽ và lạc quan, một mình vượt qua sóng gió cuộc đời nuôi dạy hai con gái khôn lớn thành tài, đồng hành, truyền lửa cho con trên còn đường hoạt động nghệ thuật.
Qua đó, độc giả sẽ hiểu tại sao Mai Ngô lại mạnh mẽ và quyết liệt đến thế…
Sau đây là trọn vẹn 8 trang thư tay của bà:
“Nhớ lại thời con gái, năm 16 tuổi bước chân vào trường Trung học Sư phạm Mẫu giáo, sau 3 năm học, 19 tuổi ra làm cô giáo mầm non – cái tuổi thật đẹp của người con gái, năm đó mình mới bắt đầu có nụ cười trên môi. Vì từ nhỏ 5 tuổi đã mồ côi mẹ, cuộc sống mồ côi mà gia đình lại thiếu thốn, ba thì có thêm dì, cho nên tình cảm của mình đã bị khép kín lại từ đó. Ba năm đi học ở trường Sư phạm, bạn bè còn đặt tên cho mình là “Nữ hoàng sầu muộn”.
Thật buồn là từ lúc 5 tuổi, tuổi mới vào mẫu giáo mà mình đã phải biết tự lập cho bản thân.
Khi đi dạy, bạn bè chỉ dạy có buổi chính, còn mình thật vất vả – sáng trưa chiều tối mình đều muốn đi dạy. Sáng và chiều mình dạy trường chính, tối thì dạy bình dân học vụ hoặc xóa nạn mù chữ. Chẳng biết có phải vì thế không mà nghề giáo viên của mình mau chóng chấm dứt, học 3 năm, dạy 7 năm. 10 năm học và làm cô giáo, mình học được phẩm chất đạo đức toàn diện của một con người. Nhớ lại thời ấy, mình cũng tham gia rất nhiều sân chơi, mình khiêu vũ, mình tham gia văn nghệ và cũng có duyên khi đi xin và quyên góp tài chính cho trường. Thời gian ấy nhớ lại cũng thật vui, khi xung quanh mình chỉ có các em bé. Giờ chúng nó đứa làm bác sỹ, đứa làm công an, cô giáo… mấy chục năm trôi qua như thế vẫn nhớ đến cô. Mặc dù cô đã đổi rất nhiều nghề.
Sau khi nghỉ dạy học, mình lại mở một quán cà phê sân vườn, trong tay chỉ có 12 ngàn đồng, số tiền chỉ đủ mua dây kẽm và đinh để làm mái nhà tranh. Vậy là vừa chặt tre của ba, vừa nhờ ông anh rể giúp đỡ, vừa chạy đi mượn tiền, cuối cùng sau 30 ngày mình cũng đã làm ra được quán cà phê sân vườn đèn màu và nhạc rất dễ thương. Mình đã thành công bằng sự nỗ lực hết sức, ốm mất 5 ký, và quán đó được đặt tên là “Quán càfé Không chín”, bọn sinh viên Ngân hàng còn gọi vui là cà phê Sống.
Mình nhận ra, khi ta quyết tâm với việc gì đó, thì dù khó thế nào đi nữa cũng không làm ta gục ngã. Trong thời gian bán cà phê ấy mình đã yêu một người sinh viên. Thật trớ trêu, tiền không có mà lại yêu một người cũng không có tiền, lại còn nghèo hơn mình, thế mới nói tình yêu chẳng tính toán được gì, chỉ cần nhìn thấy người đó là coi như xung quanh không còn có ai nữa cả. Cũng vì mải… yêu đương nên chủ quán càng ngày càng không còn… xinh đẹp như lúc đầu, làm lượng khách hàng ngày một vắng. Quán cà phê 3 năm thì phá sản, mình lại đổi nghề: bán đồ góp. Rồi mình cưới và sinh đứa con đầu lòng là con gái, cuộc sống khi đó có đôi phần hạnh phúc.
Được một năm, khi đứa lớn tròn 1 tuổi, mình lại có thai đứa thứ 2. Sóng gió ập đến, chồng về bên nội lo gia đình bên ấy, còn lại một mình vừa mang thai, vừa nuôi con nhỏ 1 tuổi, vừa lo cho ông ngoại, việc làm ăn thì đi xuống.
Y tá đẩy mình đến phòng sinh, vừa lên giường là em bé đã lọt ra rồi. Lúc đó mình vẫn tỉnh táo bình thường, nhìn theo con nằm ở một bên khi y tá tắm em rồi để lên bàn. Mình ngắm con nằm kế bên một em bé khác nhỏ xíu, còn con mình thì dài gấp 2 lần đứa bé kế bên, nhìn đã thấy mạnh khỏe nhanh nhẹn hơn.
Em bé đó chính là Mai Ngô bây giờ.
Sinh xong, bà chị dâu mua cơm cho mình ăn rồi chị ấy về. Ở bệnh viện Từ Dũ chỉ còn lại hai mẹ con, muốn uống nước cũng phải nhờ người nhà của người khác rót dùm. Sau 8 tiếng, hai mẹ con được chuyển phòng, nhưng cũng chẳng có ai chăm sóc, lại phải nhờ người nhà giường kế bên mua giúp cơm.
Buồn thì thật buồn, nhưng mình không hề khóc, mà còn kể chuyện cho một chị nằm kế bên sinh con chỉ nặng 2 kg và phải nằm lồng kiếng. Mình còn nhớ, chị là giảng viên đại học, nghe chuyện của mình chị cười như nắc nẻ, bảo mình có cuộc đời thật lạ. Tại giường này, trước khi mình nằm có một bà mẹ trẻ được người nhà quan tâm, vào ra tấp nập, ồn ào. Bà mẹ này lại rất là nhõng nhẽo khiến cho chị ấy nằm kế bên cũng bực mình. Chị kể, giờ bà mẹ ấy về, mình vô đúng giường ấy thì hoàn toàn ngược lại, không một ai lưu tới, chỉ có 2 mẹ con. Chị nằm kế bên mình vui vẻ nựng nịu bé Mai mà nói ước gì con mình cũng được mạnh khỏe như thế.
Nằm viện đúng 48 giờ thì mình xin về nhà. Bác sỹ đồng ý vì sức khỏe hai mẹ con rất tốt, hai mẹ con ra bắt taxi về Thủ Đức. Mai Ngô sinh ra được 50 ngày thì ba Mai Ngô lại về!
Rồi vợ chồng lại huề, mỗi tháng ba bé Mai lại về nhà 2 ngày đều đặn. Đến thôi nôi Mai, mình tổ chức rất lớn không thua ai cả, có cả quay phim và đãi tiệc thật ngon. Bà con còn bảo làm lớn như vậy mà không báo, quà chuẩn bị đơn giản quá. Lúc ấy mình trả lời sợ không còn dịp nên lần này đãi mọi người cho thật hoành tráng, vì mình cảm nhận sự phá sản đến từ từ…
Và khi mình hết tiền, thì lúc này gia đình mình (sống bên ngoại) chỉ còn mình, hai đứa con gái (đứa lớn 3 tuổi đứa bé 1 tuổi) và ông ngoại. Không tiền, thất nghiệp, một mình nuôi hai con và bố, thời gian làm mình khô héo lại.
Rồi ông ngoại qua đời vào đầu năm 1998, ba Mai Ngô lại về nội, Mai Ngô đi học mẫu giáo, mình lại bắt đầu một công việc khác, một nghề mới trong xã hội là nghề đại lý bán bảo hiểm nhân thọ.
Làm đại lý thì phải có xe máy, vậy mà mình chỉ có một chiếc xe đạp chở hai đứa con, đứa nhỏ ngồi trước, đứa lớn (hơn 5 tuổi) ngồi sau. Sáng đưa hai đứa đến trường, mẹ phải mướn xe Honda cũ của người quen để giữ hình ảnh đẹp về gia đình với giá 20 ngàn/ngày, rồi đổ 10 ngàn tiền xăng đi bán bảo hiểm.
Mình có bằng cô giáo và có chút quần áo nên ra đường cũng được người ta kính trọng. Việc bán bảo hiểm ngày càng tốt đẹp. Mình nhớ một chiều năm 1999, đến nhà thầy Hùng (thầy Hùng là hiệu phó trường ĐH Nông Lâm bấy giờ) bán bảo hiểm, rồi tâm sự với thầy chỉ ước gì kiếm đủ tiền nuôi hai con là được, một tháng 3 – 4 triệu thôi. Thầy bảo rằng thầy không có nhu cầu bảo hiểm, mình thuyết phục mãi, bảo thầy hãy mua theo phong trào thầy nha, thế là thầy đồng ý.
Mùng 1 Tết năm 2001, ba Mai Ngô lại trở về, mình nhớ lúc đó là khoảng 4 giờ chiều, năm đó Mai Ngô đã 5 tuổi hơn rồi. Nó giận ba nên không đến gần, mình và ba nó phải dỗ mãi đến vài tiếng thì nó lại quen ngay, đúng là cha con có khác. Hạnh phúc đến với gia đình mình được 19 tháng, mỗi tháng ba Mai Ngô về 2 ngày 1 đêm rồi đi về Cà Mau làm nhân viên tín dụng Ngân hàng. Rồi một đêm thứ 6 ngày 13, ba Mai Ngô đã qua đời vì tai nạn giao thông, mình lại một lần nữa nuôi con một mình.
Con càng một lớn, nhu cầu học và phát triển ngày càng cao. Mình phải vừa chạy theo hai đứa con vừa phải chạy theo khách hàng mua bảo hiểm, thời gian quả thật vô cùng eo hẹp. Cũng may nghề của mình là nghề giao tiếp nên mình đã nắm bắt được mọi vấn đề trong xã hội, những điều con cần hay những mong ước ấp ủ mình đều có thể thấu hiểu và giúp con toại nguyện. Và vì vừa làm cha vừa làm mẹ nên cách mình dạy con không giống các bà mẹ khác. Mình yêu cầu con phải có trách nhiệm với những lời đề nghị khi xin mẹ bất cứ điều gì. Từ đó, hai đứa con gái mình đã tập được tính độc lập và có trách nhiệm với mọi lời nói, đề xuất của bản thân.
Rồi thời gian lại qua, con lớn lên, ngày càng đẹp. Mình nhớ lại tuổi thơ không hoàn hảo của bản thân, những mơ ước thời trẻ không được thực hiện. Hai con gái mình đều có năng khiếu về sân khấu, vậy là những điều ấp ủ ngày xưa được trao lại cho con, mình là người sau lưng tiếp sức những lúc con cần (chị Mai Ngô là DJ Maika – PV). Với các con, lúc nào mẹ cũng ở bên giúp đỡ để con có thể thực hiện mơ ước của mình.
Bây giờ các con đã lớn, sự làm ăn của mình qua thời nguy hiểm, tuy tiền bạc không nhiều nhưng cuộc sống tương đối ổn định. Nhà ở và khuôn viên nhà mình cũng là mơ ước của nhiều người, mình về vui thú điền viên. Mai Ngô đã làm người mẫu, chị Maika đang tiếp tục học sáng tác nhạc để bổ trợ cho nghề DJ. Cuối cùng, ông trời chỉ thử thách ta chứ không hề bỏ rơi ta. Tất cả sự cố gắng đều có một kết quả tốt đẹp, tất cả mọi mong ước sẽ đạt được nếu quyết chí hết lòng... ”
Tổ chức LÊ HẠNH
Thiết kế LÊ ANH HOA
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP
“THỜI THANH XUÂN CỦA MẸ”
Bạn có bao giờ tự hỏi: Tuổi trẻ của mẹ mình, nó như thế nào nhỉ? Đó là một cô gái đôi mươi nhút nhát, mơ mộng, trái ngược với “mẹ hổ” thường ngày, là cô sinh viên sôi nổi với trái tim đầy ắp ước vọng hay một người phụ nữ bản lĩnh đã đi qua bao giông gió cuộc đời? Hãy chia sẻ câu chuyện “thanh xuân rực rỡ” của mẹ để có cơ hội nhận phần thưởng cực hấp dẫn từ Tạp chí Đẹp!
Cuộc thi diễn ra từ ngày 11/10/2017 đến ngày 22/10/2017. Tham gia ngay tại: https://www.facebook.com/tapchidep/posts/1015800288561856