LIONEL MESSI

và câu chuyện tình vĩ đại với Argentina

Có một số bộ phim điện ảnh và phim ngắn được làm kể về cuộc đời của thiên tài bóng đá Lionel Messi từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Trong đó, Argentina chỉ là nơi anh sinh ra và sinh sống cho đến khi lên 13 tuổi. Song câu chuyện về tình yêu của La Pulga (La Pulga: biệt danh của Messi, có nghĩa là con bọ chét nhỏ bé nhưng đáng gờm) dành cho xứ sở Tango cũng vĩ đại không kém sự nghiệp túc cầu của anh. Nó thậm chí có thể trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, nhất là ở mùa World Cup 2018 trên đất Nga lần này.

Cậu bé Lionel Messi sinh ra với tình yêu bóng đá chảy trong huyết mạch. Anh bắt đầu chơi cho đội bóng địa phương có tên Grandoli từ khi lên 5 tuổi và khao khát một lần được khoác chiếc áo đấu sọc xanh trắng của Đội tuyển Quốc gia Argentina. Nhưng La Albiceleste (bầu trời màu trắng xanh, chỉ đội tuyển Argentina) lại không phải nơi phát hiện ra khả năng thiên tài của cầu thủ vĩ đại này.

Ít ai biết rằng, sự nghiệp túc cầu của chân bóng thiên tài sinh năm 1987 được sang trang bằng bản hợp đồng viết trên một tờ giấy ăn. CLB Barcelona chính là nơi phát hiện ra triển vọng của cậu bé 13 tuổi người Argentina và tạo điều kiện cho gia đình anh chuyển đến sinh sống tại Tây Ban Nha, cũng như hỗ trợ Leo (tên thân mật của Lionel Messi) tiền chữa trị căn bệnh liên quan đến hormone tăng trưởng.

Từ năm 2003 cho đến nay, CLB Barcelona vẫn là bệ phóng hoàn hảo cho tài năng thiên bẩm của Lionel Messi. Bàn thắng vào lưới đội bóng Albacete năm 17 tuổi giúp Leo trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn cho Barca ở La Liga và ngày càng tỏa sáng trong màu áo câu lạc bộ. Song trước đó, anh vẫn không được đội bóng quê hương coi trọng. Các huấn luyện viên của đội tuyển trẻ xứ Tango đã nhiều lần từ chối Leo. Trái lại, những người cầm quân Tây Ban Nha đã sớm nhận ra tài năng trẻ tuổi và nỗ lực mời anh thi đấu cho đội bóng xứ sở bò tót.

Tuy không ít lần kiên quyết lắc đầu từ chối trước lời mời khoác màu áo La Roja (“đội quân màu đỏ” Tây Ban Nha), Lionel Messi vẫn chật vật với ước mơ thi đấu cho đội tuyển quê hương. Sau khi nhận quá nhiều lời tư vấn và thúc giục từ Claudio Vivas (trợ lý của huấn luyện viên trưởng đội tuyển Argentina thời điểm đó) và huấn luyện viên nổi tiếng Jose Pekerman, huấn luyện viên của đội tuyển U20 Argentina - Hugo Tocalli mới để mắt đến Messi. Thậm chí, tên Leo trong thư mời triệu tập còn bị viết nhầm thành Leonel Mecci.

Trong màu áo U20 Argentina, chàng trai 17 tuổi khiến huấn luyện viên Tocalli sững sờ với 4 bàn được ghi trong vòng 15 phút vào sân tập và 1 bàn thắng trước đối thủ Paraguay. Từ đó cho đến nay, tài năng trẻ bị bỏ quên của Argentina từng bước trở thành thánh sống trong lòng người dân La Albiceleste và là niềm tự hào của bóng đá xứ sở Tango.

Tuy vậy, 30 danh hiệu của La Pulga không giúp anh mang về cho Đội tuyển Quốc gia Argentina chiếc cúp vàng World Cup. Trong khi đó, La Roja mà Leo từ chối đã vô địch World Cup 2010 và hai lần lên đỉnh Châu Âu năm 2008, 2012. Điều đó khiến Leo vừa là niềm hi vọng duy nhất, vừa là tội nhân của người Argentina suốt gần một thập kỷ trở lại đây.

Trượt chân ngay trên đỉnh vinh quang tại đất Brazil ở World Cup 2014, Lionel Messi trở lại mùa giải 2018 trong màu áo La Albiceleste với áp lực đè nặng lên vai. Cùng một lúc người ta đặt anh lên bàn cân với cầu thủ xuất sắc thời điểm hiện tại - Ronaldo, và với huyền thoại bóng đá, người hùng dân tộc trong quá khứ - Diego Maradona.

Truyền thông Anh dùng động từ “Maradonise” (Maradona hóa) để chỉ những gì mà người Argentina làm với Messi: tôn anh lên làm thánh sống và kì vọng rằng Leo sẽ mang về cho dân tộc chiếc cúp vàng World Cup giống như Diego Maradona từng làm hơn 30 năm trước. Song, họ quên nghĩ đến sự thay đổi của nền bóng đá mới, những đối thủ cạnh tranh và chính bản thân Đội tuyển Quốc gia La Albiceleste.

Diego Maradona không một mình giành được cúp vàng. Xung quanh ông là những đồng đội ngang tầm có khả năng “chơi đùa” với trái bóng để ông phát huy hết tài năng thiên bẩm. Trái lại, Đội tuyển Quốc gia Argentina hiện tại là tập hợp những cá nhân với lối chơi khác biệt được gọi về mỗi mùa giải. Họ tự biến mình thành cái bóng của Leo và tìm mọi cách chuyền cho anh mỗi khi có bóng. Marcos Rojo, người hùng trong trận đấu với Nigeria, cũng thừa nhận: “Chúng tôi cố gắng chuyền bóng cho Lionel Messi khi khó khăn. Lúc thuận lợi, chúng tôi vẫn muốn chuyền cho anh ấy”.

Chính huấn luyện viên Jorge Sampaoli cũng không biết làm gì khi có Messi trong tay. Ở trận hòa Iceland, La Pulga đứng xa khung thành và tự kiến tạo đường chuyền bóng, song không đồng đội nào có thể dứt điểm thành công. Ngược lại, khi Leo chơi ở vị trí tiền đạo trong trận gặp Croatia, thì mọi đường chuyền lại bị chặn đứng trước khi đến chân thiên tài bóng đá sinh năm 1987 này.

Lối chơi phụ thuộc vào Leo còn đến từ sự trì trệ của đội tuyển có độ tuổi trung bình già nhất World Cup 2018 (28 tuổi 11 tháng và 6 ngày). Bởi, toàn cầu hóa dẫn đến việc xuất siêu cầu thủ khiến La Albiceleste thiếu đi tính cạnh tranh của những hạt mầm triển vọng. Ngoài ra, bóng đá còn là tấm gương phản chiếu sự rối ren chính trị, kinh tế và việc mất đi tinh thần bóng đá của chính người dân Argentina. Jorge Valdano từng phải thốt lên trên tờ The Guardian: “Điều gì đang xảy ra với bóng đá Argentina vậy?”.

Những biến cố ấy khiến Leo không thể hoàn thành phương trình hoàn hảo mà Diego Maradona từng làm. Điều đó tạo nên gánh nặng kéo lê theo đôi chân của La Pulga trên đất Nga. Anh không giống như Ronaldo: vui vẻ đối diện dư luận và chủ động với áp lực do chính bản thân tạo ra. Messi lạc lối trong sự kì vọng mà người Argentina và cả thế giới dành cho mình.

Đó là lý do người ta thấy thủ quân người Argentina căng thẳng trước mỗi trận đấu và cúi gằm mặt khi thua cuộc. Ngoại hình ngày một cứng cỏi với râu và hình xăm không che giấu được tinh thần bất ổn và những khiếm khuyết ở một người thủ lĩnh của Leo. Nhưng không thể phủ nhận rằng, anh vẫn là người duy nhất cần mẫn và kiên trì với bóng đá Argentina suốt hơn 10 năm qua…

Siêu phẩm bằng chân nghịch (chân phải) sau pha nước rút với tốc độ 34 km/h vào lưới Nigeria không phải là dấu hiệu đầu tiên cho sự trở lại của La Pulga. Trước đó, Leo đã tìm lại niềm tin cho người Argentina và chính bản thân bằng lời khẳng định: “Tôi sẽ không từ giã Đội tuyển Quốc gia cho đến khi nào Argentina giành được cúp vàng World Cup”.

Trong trận đấu quyết định với Nigeria, người hâm mộ thấy bản lĩnh lãnh đạo thức dậy trong Messi. Vào giờ nghỉ giữa hiệp, Leo dặn đồng đội hãy sút bất kể khi nào có cơ hội, bởi tất cả đều có nhiệm vụ ghi bàn. Lời dặn dò khiến Marcos Rojo, cầu thủ trước đây từng cố gắng chuyền cho La Pulga bất chấp đường bóng khó khăn hay thuận lợi, đã tự tin dứt điểm thành công vào lưới Nigeria. Bàn thắng đưa La Albiceleste lách qua khe cửa hẹp vào vòng ⅛.

Thủ quân Argentina tiếp tục là người truyền lửa cho những “vũ công Tango” trong trận đấu cuối cùng (với Pháp) trên đất Nga. Đội bóng rệu rã suốt từ vòng bảng đã có những phút giây hiếm hoi làm sống lại thứ bóng đá mà người Argentina từng tôn sùng. Đó là pha lập công bất ngờ được ghi từ khoảng cách hơn 27 mét của Di Maria giúp Argentina gỡ hòa 1-1, hay cú sút của Messi trúng chân Mercado làm lệch hướng đi đưa bóng vào lưới, giúp đội bóng xứ Tango dẫn 2-1.

Đó cũng là tinh thần chiến đấu cho đến những phút cuối cùng dù bị Pháp dẫn trước 4-2. La Pulga có đường chuyền tuyệt hảo, đúng tầm giúp Aguero đánh đầu ghi bàn, rút ngắn tỉ số xuống còn 3-4 cho Argentina.

Lionel Messi thôi lạc lối trên nước Nga, những “vũ công Tango” đã có những khoảnh khắc tìm lại chính mình và tỏa sáng. Tuy nhiên, điều đó chỉ giúp La Albiceleste kết thúc mùa giải bằng trận đấu kịch tính và hấp dẫn, mà không thể khiến đội bóng xứ Tango giành chiến thắng trước tuyển Pháp.

Hàng thủ quá rời rạc và chậm chạp trước cầu thủ 19 tuổi người Pháp Mbappe, trong khi hàng công đuối sức và trở nên thiếu sắc sảo trong những pha dứt điểm vào nửa cuối hiệp 2. Suy cho cùng, đây vẫn là vấn đề về khâu chiến lược, điều phối nhân sự và tuổi tác của đội tuyển mà Argentina gặp phải ngay từ những trận đấu vòng loại.

Người ta xót xa trước hình ảnh chân sút thiên tài thẫn thờ sau tiếng còi kết thúc trận đấu, và càng tiếc nuối hơn khi “vũ điệu Tango” đang dần thức dậy, nhưng chưa kịp đủ “lửa” đã phải dừng chân tại World Cup 2018.

Lionel Messi một lần nữa lỡ duyên cùng chiếc cúp vàng World Cup. Độ tuổi 35 cũng là rào cản để anh chạm đến giấc mơ trên đất Qatar. Song, người Argentina vẫn không thôi mộng mơ, bởi chính Leo từng khẳng định rằng anh sẽ không từ giã Đội tuyển Quốc gia Argentina cho đến khi nào giành được cúp vàng World Cup. Tuy nhiên, để điều kì diệu ấy trở thành sự thật, đã đến lúc La Albiceleste thôi cầu nguyện về những khoảnh khắc tỏa sáng đơn độc của Messi, và thực sự nuôi dưỡng lại thứ “gen” bóng đá mà họ từng tôn sùng.

Bài THẢO CAO Thiết kế ANH HOA

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

LIONEL MESSI
  1. Section 1