Kỷ nguyên vàng của phim truyền hình cũng khép lại
Những gì series truyền hình này đang làm cho màn ảnh nhỏ cũng giống như những kỳ tích mà siêu phẩm Chúa Nhẫn từng đạt được trên màn ảnh rộng.
Vào thời điểm này, khi nhắc đến tên một series truyền hình ăn khách nhất màn ảnh nhỏ, được đại đa số khán giả toàn cầu biết đến, thì “Game of Thrones” (tựa Việt: Trò Chơi Vương Quyền) sẽ là một trong những cái tên được xướng lên đầu tiên. Sau gần một thập niên làm mưa làm gió với 7 mùa phim, series sử thi kỳ ảo này đem đến cho người xem một cơn lốc cảm xúc mãnh liệt từ đau thương tới phấn chấn, từ hồi hộp tới vỡ òa. Và giờ đây, “Game of Thrones” đang đứng trước season 8 – mùa chiếu cuối cùng, cũng là đích đến của hành trình làm nên lịch sử truyền hình mà khó series nào sánh được.
Mùa hè năm 2011, tập đầu tiên của “Game of Thrones” ra mắt khán giả truyền hình trên kênh HBO. Được nhà sản xuất hết lòng quảng bá với những hình ảnh hoành tráng, trường quay và trang phục lộng lẫy, nhưng cảm giác duy nhất đọng lại cho người xem sau tập đầu chỉ có một từ: sốc! Bởi lẽ, dù chỉ dài chưa đầy một tiếng, nhưng tập phim đã phơi bày không biết bao nhiêu bộ ngực trần của thiếu nữ. Nổi bật trong đó chính là cảnh ái ân nhức nhối giữa hai anh chị em ruột thịt, và kết thúc với hình ảnh một cậu bé ngây thơ bị đẩy từ tòa tháp cao xuống đất đầy tàn nhẫn.
Thời điểm “Game of Thrones” ra mắt cũng trùng với thời kỳ hoàng kim của phim truyền hình dài tập Mỹ. Ở chính tại Việt Nam, những series có cốt truyện độc đáo, hấp dẫn như “Once Upon A Time” (Ngày Xửa Ngày Xưa), “Revenge” (Báo Thù), “The Walking Dead” (Xác Sống)… đều gây sốt và được theo dõi không kém những khán giả tại Mỹ. Cùng lên sóng giữa hàng loạt series chất lượng như vậy, nhưng “Game of Thrones” lại ghi dấu ấn khác biệt nhờ những cảnh khỏa thân giường chiếu xuất hiện không ngừng, cùng các yếu tố “người lớn” khác như máu me, bạo lực, cưỡng bức, loạn luân,…
Trong suốt những tập đầu, nhiều khán giả đã cười khẩy và cho rằng “Game of Thrones” chỉ là một series rẻ tiền, lợi dụng cảnh nóng để câu kéo người xem. Tuy nhiên, một bộ phận khác lại bị cuốn hút không biết tự lúc nào, bởi đằng sau những cảnh phim táo bạo là một câu truyện phức tạp, đầy bí ẩn và mưu mô chồng chất. Cứ thế, mùa chiếu đầu tiên của “Game of Thrones” dần có được một lượng người xem nhất định. Thế rồi, trong tập 9 tuyệt đỉnh mang tên “Baelor”, nhân vật chính trong toàn bộ season bị kết liễu trong sự sửng sốt tột cùng của người xem. Cũng từ đây, “Game of Thrones” rũ bỏ mọi nghi vấn về chất lượng cũng như nội dung, chính thức trở thành series khét tiếng nhất nhì màn ảnh nhỏ với thông điệp: ai cũng có thể bỏ mạng, kể cả nhân vật chính.
Nhưng nếu chỉ có nội dung gây sốc, nhiều cái chết bất ngờ thì vẫn chưa đủ để “Game of Thrones” vượt xa các series khác, trở thành độc tôn trên màn ảnh nhỏ phương Tây. Sở dĩ nó làm được điều này, còn nhờ một yếu tố mà chẳng series truyền hình nào có, cũng rất ít phim điện ảnh sở hữu. Đó là một bối cảnh hư cấu vô cùng rộng lớn, vô cùng chi tiết, được xây dựng vô cùng tài tình để thiên truyện này diễn ra.
“Game of Thrones” được dựa trên nguyên tác tiểu thuyết “A Song of Ice and Fire”, do nhà văn người Mỹ George R. R. Martin dày công sáng tác trong hàng chục năm trời. Vùng đất hư cấu trong phim có tên gọi Westeros – một đại lục với bảy vương quốc luôn tranh giành quyền lực. Phương Bắc đại lục ấy có bức tường băng khổng lồ, nhằm chặn đứng loài quỷ dữ từ vùng đất băng giá tràn xuống. Ở phương Đông lại là đại dương và một vùng đất khác, nơi nàng công chúa lưu đày đang ngày đêm tìm cách trở lại quê hương, với sự trợ giúp của ba con rồng vô địch.
Thế giới trong “Game of Thrones” được tác giả xây dựng không chỉ phong phú về địa lý, mà còn về lịch sử. Hàng nghìn năm trước những sự kiện chính đã được nhà văn Martin lấp đầy bằng vô vàn cột mốc hấp dẫn, nhiều biến động không kém thời hiện tại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã so sánh series này với tuyệt phẩm điện ảnh “Lord of the Rings”, do cả hai cùng đặt bối cảnh ở những thế giới hư cấu.
Đặt hai thế giới này lên bàn cân, thì thế giới trong Chúa Nhẫn được xây dựng hoành tráng, công phu hơn rất nhiều. Nhưng nếu đem so sánh nhân vật của cả hai câu truyện, thì “Game of Thrones” có phần nhỉnh hơn. Trong Trò Chơi Vương Quyền ở Westeros, mỗi tay chơi, mỗi con người đều có góc nhìn riêng, số phận riêng, và hoàn cảnh riêng. Càng xem, khán giả càng chẳng thể đoán được ai tốt ai xấu, hành động nào chính đáng, hành động nào là tội lỗi.
Cuộc chiến trong “Game of Thrones” không chỉ có hai phe, ngược lại mỗi nhân vật, mỗi gia tộc đều có dụng ý và âm mưu riêng. Giữa vòng xoáy đấu đá ấy, kẻ thù lớn nhất của họ chính là con người bị thao túng bởi tham vọng và lòng thù hận. Xuyên suốt câu truyện, các nhân vật này còn không ngừng thay đổi. Vậy nên mới có chuyện kẻ thủ ác ở phần đầu, tới nay lại trở thành con người hào hiệp, biết phải trái, được yêu thích nhất trong cả series.
Dù ra mắt cùng thời với nhiều tác phẩm truyền hình ăn khách, nhưng sau 9 năm phát sóng, “Game of Thrones” có lẽ là cái tên duy nhất từ năm 2011 vẫn giữ được sức hút và tầm ảnh hưởng. Nếu như “Once Upon A Time” hay “Revenge” vì kéo dài mà trở nên lê thê, mất dần khán giả, thì “trò chơi vương quyền của bảy vương quốc” ngày càng thu hút, chỉ số rating năm sau luôn cao hơn năm trước. Gần đây, các hãng sản xuất lớn như Netflix và Amazon cũng nỗ lực ra mắt nhiều series được đầu tư triệu đô, nhưng hầu hết đều có phong độ bất ổn định. Chỉ có “Game of Thrones”, với bối cảnh hư cấu rộng lớn, dàn nhân vật quy mô, đa dạng, cùng nội dung hấp dẫn mới duy trì hào quang trong nhiều năm được như thế.
Cũng khó mà có một series nào có tầm ảnh hưởng văn hóa, xã hội rộng lớn như “Game of Thrones”. Cứ mỗi khi gần đến thời điểm phát sóng, “Game of Thrones” luôn là đề tài được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều lời nói, ngôn ngữ trong phim đã trở nên phổ biến, thậm chí ngay năm đầu lên sóng, rất nhiều gia đình đã đặt tên cho con gái là “Khaleesi” – một danh hiệu của nhân vật Daenerys Targaryen. Bộ phim cũng tiếp nối những hiện tượng như “Lord of the Rings”, “Harry Potter” để gây nên cơn sốt cho thể loại kỳ ảo (fantasy), góp phần thúc đẩy doanh số các tác phẩm phim và sách của thể loại này. Ấn tượng hơn cả, “Game of Thrones” còn trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của rất nhiều tổ chức/cá nhân khắp thế giới. Chẳng hạn như trong thời gian chiếu mùa 4, một nghiên cứu đã lấy phản ứng của cư dân mạng sau mỗi tập để suy luận về hành vi chung của con người trong thời kỳ khủng hoảng.
Nhưng sớm thôi, khi season 8 được lên sóng thì trong 6 tuần lễ ngắn ngủi, siêu phẩm truyền hình này cũng sẽ khép lại vĩnh viễn. Dù nhiều dự án tiền truyện đã được HBO xúc tiến, nhưng khả năng lặp lại được thành công của “Game of Thrones” là rất ít. Người xem cũng nên dần chấp nhận sự thật rằng, series sẽ khép lại một kỷ nguyên vàng của màn ảnh truyền hình, trước sự đổ bộ ào ạt của các tác phẩm chiếu trực tuyến (streaming) thế hệ mới.
Bài Luke (from GameOfThronesVN)
Thiết kế Redmaz
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP