CƯỚI LẠI TỪ ĐẦU

Tạp chí Đẹp

Nhà báo kỳ cựu người Mỹ Mignon McLaughlin từng nói: “Cuộc hôn nhân thành công đòi hỏi người ta phải ‘yêu lại từ đầu’ nhiều lần, với cùng một người”. Dường như đó cũng là vũ khí quan trọng để các cặp vợ chồng duy trì được đời sống hôn nhân bền vững – một điều chẳng đơn giản, nhưng cũng không phải bất khả thi.

Riêng đối với Đẹp, nếu “yêu lại từ đầu” là điều kiện cần thì “cưới lại từ đầu” là điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hiển nhiên, đó hoàn toàn không phải chuyện tổ chức lại một đám cưới cầu kỳ, hoành tráng với hàng chục bàn tiệc, mà đơn giản là cùng nhau “hấp hôn” một cách giản dị, như cách mà những ông chồng bà vợ trong chuyên đề “Cưới lại từ đầu” chia sẻ. Hãy cùng chúng tôi lật giở những trang báo tiếp theo và lắng nghe câu chuyện của 6 cặp đôi đã cùng nắm tay nhau bước qua các cột mốc quan trọng của đời sống hôn nhân, để thật sự hiểu họ đã “cưới lại từ đầu” như thế nào.

CHỊ THU TRANG & ANH TIẾN LUẬT

“Khoai tây và cà chua vốn không có điểm chung, nhưng nếu khoai tây biến thành khoai tây chiên, còn cà chua biến thành xốt cà chua ăn cùng với nhau thì không gì tuyệt vời hơn. Tình cảm cũng như vậy, không có hai người nào vừa sinh ra đã hoàn toàn phù hợp với nhau, cái chúng ta cần chính là sự bao dung, thấu hiểu và thay đổi” – đôi vợ chồng đáng yêu nhất showbiz Việt chia sẻ bí quyết để có được một cuộc hôn nhân vui vẻ.

Bài Hoàng Long Ảnh NVCC


Chuyện gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện “con giáp thứ 13”?

Tiến Luật: Cái này thì căng à nha! Nhưng quan trọng nhất là niềm tin phải vững, “say” rồi cũng phải tỉnh, vì hơn hết ở nhà vẫn còn đó một gia đình. Bản thân vợ chồng cũng phải giúp nhau có “sức đề kháng” thật tốt, để tránh những cơn “say” không đáng có hay giữ mình những lúc “con này con kia” xuất hiện (cười).

Anh chị từng chia sẻ là chưa bao giờ thấy chán nhau dù giáp mặt 24h/7ngày. Có thật không?

Thu Trang: Sao lại không? Bọn tôi cũng biết giữ “lửa” giữ “khói” cho nhau mà (cười). Bằng cách nào ư? Bằng hành động và lời nói. Chẳng hạn như bọn tôi hay gọi nhau là “bạn trai”, “bạn gái” rồi anh Luật ngày nào cũng hôn vợ - đó là quy định bất thành văn.

Điều đặc biệt gì ở ngày cưới năm ấy khiến anh chị tự hào?

Tiến Luật: Đó là một ngày toàn số một: 11/1/2011, một đám cưới, một vợ, một chồng.

Đó có đúng là đám cưới hoàn hảo mà anh chị từng mong chờ?

Thu Trang – Tiến Luật: Trên đời làm gì có thứ gì hoàn hảo! Nhưng đó là đám cưới “number one” với cả hai vợ chồng vì được lấy người mình thương, được mọi người chúc phúc, được làm trung tâm của vũ trụ. Vậy là quá đủ rồi!

Nếu có cơ hội, anh chị có sẵn sàng cưới lại không?

Thu Trang – Tiến Luật: Ngày nào vợ chồng tôi cũng vui như cưới, cũng làm đủ trò để không bị chán, xem như gần giống với cưới nhau mỗi ngày rồi, đúng không?

ANH PHẠM VỸ  & CHỊ NGUYỄN THỊ LĨNH

Trò chuyện cùng anh Phạm Vỹ vào một buổi sáng cuối tuần, khi bà xã anh đang bận công tác xa nhà, chúng tôi đã cùng lật lại những mảnh ký ức hạnh phúc trong lễ cưới của anh và vợ - chị Nguyễn Thị Lĩnh - cách đây 17 năm. Đám cưới của họ diễn ra vào một ngày mưa tháng 10 và cũng chính là sinh nhật chị.

Bài Hoàng Giáp Ảnh Hoàng Duy

Ngày cưới: dậy từ 3 giờ sáng, cười sái cả quai hàm

Hồi còn trẻ, tôi từng mơ mình sẽ lấy được một cô vợ ngoan hiền, tính tình điềm đạm, mãi cho đến khi gặp Lĩnh – người phụ nữ có tính cách bộc trực, mạnh mẽ chứ không mềm yếu như đa số phụ nữ khác. Đúng là ghét của nào trời trao của ấy, sau 7 năm yêu nhau, tôi rước cô ấy về.

Ngay trước hôm cưới, tôi đi trực đến tận 1 giờ sáng. Về đến nhà, ngủ chưa thẳng giấc thì bị cô ấy gọi dậy tầm 3 giờ sáng để sửa soạn. Khi cô ấy ngồi trang điểm, tôi túc trực bên cạnh trong tình trạng gà gật, đầu cứ đơ ra. Đến chiều, khi đãi tiệc thì trời lại mưa, đường ngập nhưng cô dâu chú rể vẫn phải tươi cười tiếp khách. Tối về, hai vợ chồng chẳng “làm ăn” được gì vì quai hàm đau điếng.

Càng già, tình càng mặn mà

Người ta bảo vợ chồng khi về già chỉ sống với nhau vì nghĩa chứ không vì tình. Riêng tôi và bà xã không hiểu sao lại ngày càng yêu nhau hơn, thậm chí còn “nghiện” nhau hơn cả thời trẻ (cười). Qua tuổi bồng bột, cùng nhau vượt rất nhiều sóng gió và 3 lần trải nghiệm cảm giác sinh con, tôi và cô ấy hiện tại luôn hiểu người kia cần gì, yêu gì, ghét gì nên mọi việc luôn được giải quyết dễ dàng. Tôi không ngại ôm hôn, nắm tay vợ hàng ngày, có lẽ đó là lý do khiến ngọn lửa cảm xúc giữa hai vợ chồng ngày càng bùng cháy hơn.

Năm nay, để kỷ niệm 17 năm ngày cưới, tôi và bà xã lên kế hoạch sẽ tổ chức một buổi tiệc thân mật cùng 3 con và một số bạn bè. Địa điểm dự kiến sẽ là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Đây là điều đặc biệt mà tôi và cô ấy muốn dành cho nhau. Thậm chí dù 20 hay 30 năm nữa thì chúng tôi vẫn sẵn sàng cưới lại từ đầu.

ÔNG NGUYỄN NGỌC THỌ & BÀ ĐINH DỤC TÚ

Đôi vợ chồng đã sánh bước cùng nhau gần 60 năm, không có con nhưng họ vẫn giữ được “một tình yêu xanh ngát xanh”, vẫn xưng hô anh – em dù cụ bà nay đã tròn 80 tuổi, còn cụ ông đã bước sang tuổi 87.

Bài Đinh Nha Trang Ảnh Tuanti

Ông Nguyễn Ngọc Thọ và bà Đinh Dục Tú sống tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Ông Thọ năm nay 87 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen viết nhật ký, làm thơ để luyện trí nhớ và đi chợ chiều chiều. Bà Tú bước vào tuổi 80 nhưng mỗi lần tiếp khách hay ra ngoài chơi đều mặc váy, trang điểm nhẹ nhàng và không quên đi giày cao gót. Căn hộ của đôi vợ chồng đã bước sang tuổi xế chiều không có tiếng con cháu song luôn ngập tràn ánh sáng, tình yêu thương và những người bạn vong niên đều đặn ghé chơi.

Dù đã nhiều năm trôi qua, ông bà vẫn nhớ như in buổi tối ngày 28/4/1960. Sau hai năm yêu nhau, ông Thọ và bà Tú có một đám cưới nhỏ tại nhà hàng Nguyên Sinh trên phố Thuốc Bắc. Ông kể: “Nhà tôi ở Lương Văn Can rất chật hẹp nên để mời bạn bè phải ra nhà hàng. Tôi vẫn nhớ tiệc bày trên tầng hai, cũng đầy đủ các món ăn truyền thống trong đám cưới nhưng đơn giản, không có hát múa nhiều như bây giờ. Bạn bè chỉ đến chung vui, chúc mừng đến khoảng 9 giờ tối là tàn tiệc”.

Đó là một đám cưới được chuẩn bị chu đáo trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, miền Bắc bước vào thời kỳ bao cấp khó khăn. Bà Tú diện một bộ áo dài màu vàng nhạt in hoa nhẹ, còn ông Thọ chỉ mặc áo sơ mi trắng như những ngày thường đi dạy học. “Hồi đó chúng tôi coi trọng tình cảm lâu bền, gia đình hạnh phúc hơn là một đám cưới linh đình. Nếu mua sắm nhiều, làm rình rang sẽ dễ bị đánh giá là phô trương, là tiểu tư sản”, bà Tú kể.

Sau đám cưới giản dị, cặp vợ chồng trẻ cùng nhau vun đắp cho mái ấm theo cách những người trẻ ở thế hệ trước vẫn thường làm. Đó là cất đi vốn liếng được gia đình cho, chi tiêu dè sẻn để có một căn nhà nhỏ với đầy đủ đồ đạc và mong chờ những đứa con ra đời. Nhưng không may mắn như những cặp đôi khác, sau nhiều năm, ông Thọ và bà Tú vẫn không có con. Có thời gian dài bà Tú đi “làm thuốc” (chữa hẹp ống dẫn trứng - PV) với hi vọng được làm mẹ.“Bà ấy đau chết đi sống lại, chỉ còn 36 cân, tôi không chịu nổi. Nếu chỉ để có con mà phải nhìn vợ chịu đựng đau đớn thế, tôi không đành lòng”. Vì yêu thương tha thiết, ông Tú quyết tâm nắm tay vợ đi đến hết cuộc đời dù bà Tú không ít lần đòi li hôn để ông tìm hạnh phúc mới.

Một mái ấm có thể là chưa trọn vẹn trong mắt nhiều người được ông Thọ, bà Tú lấp đầy bằng tình cảm và niềm lạc quan. Bà Tú kể về chồng mình: “Ông ấy cứ nói gì là tôi lại phì cười, có khi nửa đêm nghĩ lại vẫn nằm cười một mình”.

Từ ngày nghỉ hưu, ông bà đã cùng nhau đi du lịch qua 15 nước và nhiều địa danh nổi tiếng. Trong đó, ông nhớ nhất là chuyến đi Ai Cập được ngắm kim tự tháp, tận mắt thấy con nhân sư ngàn năm không ngủ. “Chúng tôi có thể lão hóa về thể chất nhưng không muốn lão hóa về tinh thần, phải bắt nhịp được với đời sống hiện đại chứ”. Ông Thọ khoe ông bà đã là thành viên của câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người già ở khu phố được 18 năm. Tuần nào cũng sinh hoạt câu lạc bộ, học những điệu nhảy mới và thi thoảng đi dã ngoại cùng những người bạn già.

Ông bà trân trọng những năm tháng đi qua nhưng họ không có đám cưới bạc, vàng hay kim cương nào cả. Vì họ cho rằng tình cảm không thể đo bằng vàng hay bạc. Thay vào đó, hàng năm, vào đúng ngày cưới, họ đều đặn tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời bạn bè đến chia vui, ôn lại những kỉ niệm cũ. Hạnh phúc của ông Thọ và bà Tú được góp nhặt từ những niềm vui bé nhỏ như vậy.

ANH HỨA MINH ĐẠT & CHỊ LÂM VỸ DẠ

Giờ đây ngẫm lại, hẳn Hứa Minh Đạt nhận ra cuộc đời mình vốn dĩ đã được sắp đặt với cô gái tên Lâm Vỹ Dạ, người mà năm ấy khi đứng trước anh nói câu tỏ tình, anh chỉ xem như lời bông đùa trẻ con. Sau này, đó lại là người phụ nữ giúp anh bước qua những tổn thương từ cuộc tình đổ vỡ, người mà dù cách xa chục cây số vẫn ngày ngày đến nhà anh dọn từng góc phòng, nấu từng bữa cơm, và đồng ý về làm vợ anh khi thanh xuân vừa mới bắt đầu, chịu gác sự nghiệp để sinh con cho anh ở tuổi 22.

Bài Mỹ Khánh Ảnh NVCC

SINH RA LÀ GIÀNH CHO NHAU

Khoảng thời gian 8 năm vợ chồng ấy, dẫu không quá dài nhưng cũng đủ để Lâm Vỹ Dạ nhận ra mình dốc lòng vì người đàn ông này là xứng đáng. Từ thuở 15-16 tuổi, Dạ đã bắt đầu để ý anh và hay đứng trước gương tập nói “I love Đạt”, chờ cơ hội giãi bày. Sau này, khi đã có người yêu, cô cũng không ngại ngần bảo bạn trai dừng xe giữa đường chỉ để ngắm poster in hình Đạt.

Những chờ mong âm thầm cũng được hồi đáp khi cả hai có cơ hội đứng chung một sàn diễn, lại dần thấu hiểu nhau khi cùng lúc… thất tình. Nhắc về năm tháng đó, Dạ nói: “Phụ nữ đến một thời điểm nào đó sẽ gặp người đàn ông khiến mình muốn lập gia đình và sinh con cho người ấy. Với tôi, đó là anh Đạt.”.

Cuộc hôn nhân màu hồng đón nhận trắc trở đầu tiên khi hai con trai Bánh Mì và Xá Xíu lần lượt chào đời. Giai đoạn ấy luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với đôi vợ chồng khi cả hai đều thiếu kinh nghiệm chăm con. Rồi Đạt vì áp lực cơm áo gạo tiền mà chấp nhận trở thành “lính đánh thuê”, vai nào cũng nhận, vở nào cũng diễn để lo cho vợ con được đủ đầy. Nhưng chính nhờ đoạn khó khăn ấy mà cả hai dần hiểu ra rằng, chỉ cần có nhau, bão giông cũng hóa bình thường.

ĐÁM CƯỚI HOÀN HẢO LÀ ĐÁM CƯỚI VÀNG

Tôn chỉ gìn giữ hạnh phúc gia đình của anh chị là gì?

Vợ chồng phải biết tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Anh chị từng chia sẻ rằng đám cưới của cả hai giản dị và đơn sơ lắm. Điều gì ở đám cưới ấy khiến hai vợ chồng không thể quên được?

Có lẽ là bộ ảnh cưới vì hai vợ chồng hồi đó không dư dả để làm đẹp như người ta. Cũng hơi tủi một chút! Bởi vậy mà sau này, khi có hình cưới đẹp hơn, bọn tôi quý lắm.

Đó có phải là đám cưới trong mơ của anh chị không?

Chắc không rồi (cười). Dẫu vậy, đó là một đám cưới vừa vặn, đúng người, đúng thời điểm, hạnh phúc đủ đầy, không cầu gì thêm.

Với anh chị, đám cưới hoàn hảo sẽ như thế nào?

Đó sẽ là đám cưới vàng (kỷ niệm 50 năm ngày cưới – PV). Tuổi thọ hôn nhân mà tỉ lệ thuận với sự hòa hợp thì còn gì bằng.

Nếu có cơ hội, anh chị có muốn tổ chức cưới lại?

Bọn tôi đã làm rồi đấy chứ, nhân dịp kỉ niệm 8 năm ngày cưới. Chú rể còn tặng cô dâu chiếc nhẫn to đùng. Hạnh phúc hơn cả là lần cưới lại này có sự hiện diện của hai vị khách quý: Bánh Mì và Xá Xíu. Tuyệt cú mèo!

CHÚ NGUYỄN BÁ HOA & CÔ HOÀNG THỊ LÂM

Mỗi lần nhắc đến cô Lâm, chú Hoa lại tủm tỉm cười rồi lặp lại trên dưới chục lần rằng “lấy được bà ấy, tôi như vớ được vàng”.

Bài Xuân Hương Ảnh Cuội Hoa

Lúc nào cũng sợ… bị cướp mất vợ tương lai

Chúng tôi “va” vào nhau từ năm 1984. Lúc đó, bà ấy đang đi học y tá ở xa, hai đứa cách nhau 80 kilomet. Bà nhà tôi thuộc kiểu “hot girl” thời bấy giờ, đám trai xếp hàng trước cổng ký túc xá đông không khác gì dân mình mừng U23 thắng trận. Tôi lúc nào cũng sống trong nỗi sợ bị người ta cướp mất vợ tương lai, nên hay xin nghỉ phép để đạp xe gần trăm cây số đến gặp bà ấy.

Có lần cả hai giận dỗi, tôi lại nhớ bà ấy quá chịu không nổi nên quyết định đạp xe giữa đêm đến tận nơi chỉ để nhìn thấy “người ta” thôi. Gặp nhau, bà ấy khóc lóc kiểu vừa giận vừa thương, vừa sợ bố mẹ phát hiện, nhớ lại buồn cười lắm. Nhưng biết sao được, yêu rồi thì cái não đi ngủ, chỉ còn con tim là thức thôi (cười).

Lấy được bà ấy như bắt được vàng

Ông bà hai bên thấy cặp này cứ suốt ngày chạy cả trăm cây số để gặp nhau, cũng thương, cũng lo rồi bảo: “Hay chúng mày lấy nhau luôn đi!”. Tôi đồng ý ngay, mừng như bắt được vàng.

Mùng 4 Tết năm 1986, chúng tôi làm đám cưới. Đám cưới ngày ấy giản dị lắm, tiền đâu mà làm rình rang. Vợ tôi không được mặc váy cưới, tôi thương lắm nhưng không có điều kiện để làm khác được, chỉ nghĩ mình sẽ quan tâm, chăm sóc để bù đắp cho bà ấy nhiều hơn.

TIẾN SĨ NGUYỄN KHẮC THUẦN & TIẾN SĨ LÝ THỊ MAI

Trong giới học giả, vợ chồng Tiến sĩ (TS) Nguyễn Khắc Thuần – TS Lý Thị Mai được xem là hình mẫu vững chãi về đời sống hôn nhân hạnh phúc kéo dài nhiều thập niên. Chia sẻ với Mùa cưới về chuyện cưới xin, vợ chồng tiến sĩ đều đồng ý rằng dẫu có thế nào thì lễ cưới là điều không được bỏ qua trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào.

Bài An Sơn Ảnh NVCC

Đám cưới là sự kiện quan trọng trong đời người và ai cũng muốn nó phải thật hoàn hảo. Và đám cưới hoàn hảo ấy, theo định nghĩa của ông bà là như thế nào?

Trước hết, đám cưới chỉ nên tiến hành khi hai người thực sự yêu nhau, hiểu nhau và thống nhất với nhau những thỏa ước về mô thức tổ chức cuộc sống gia đình riêng của họ. Thứ hai, đám cưới nên hợp với luật tục và lễ tục. Nghĩa là có đăng ký kết hôn và được đôi bên gia đình đồng ý ủng hộ, tác hợp. Thứ ba, đám cưới nên có sự chúc phúc của thân nhân và bạn hữu – những nhân chứng không thể thiếu cho một sự kiện vốn dĩ rất quan trọng của đôi tân lang tân nương.

Chính quan niệm đám cưới có ý nghĩa rất trọng đại nên nhiều người cố gắng tổ chức thật hoành tráng, bất chấp nợ nần. Ông bà nghĩ gì về hiện tượng này?

Chẳng ai ủng hộ đám cưới xa xỉ cả. Đừng vì một phút “huy hoàng” rồi lại sống trong sợ hãi, lo toan vì nợ nần. Dẫu có điều kiện thì cũng nên hướng đến giá trị đích thực trường tồn sau đấy, những gì thuộc về vật chất mãi vẫn không có giá trị vững bền.

Cũng có trường hợp vì những lý do riêng nào đó, họ về chung sống với nhau mà không tổ chức lễ cưới như lễ thường. Điều này có ảnh hưởng gì đến cuộc hôn nhân lâu dài của họ?

Xưa nay từng có không ít những cặp vui vẻ về chung sống với nhau nhưng do điều kiện kinh tế còn quá khó khăn nên không tổ chức đám cưới. Nhưng các đôi này vẫn kính cẩn làm lễ bái gia tiên, ra mắt họ hàng đôi bên (tức là hợp với lễ tục) đồng thời đăng ký kết hôn (tức là hợp với luật tục). Đấy là những người yêu nhau nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm cao.

Vậy nhưng, chúng tôi vẫn mong rằng, nếu không phải vì tình cảnh quá đặc biệt thì vẫn nên có một đám cưới đàng hoàng, dẫu có đơn sơ, đạm bạc. Bởi vì phụ nữ sinh ra là để được yêu thương và được mặc chiếc váy cưới xuất hiện trong đám cưới của mình là điều không một cô dâu nào chối từ. Người đàn ông đừng bao giờ để vợ mình phải tủi thân vì chưa một lần khoác áo cưới. Đó là điều không nên.

Nếu có cơ hội, ông bà có sẵn lòng tổ chức cưới lại hay không?

Tuy ngày ngày chỉ uống nước đun sôi để nguội hoặc trà nhạt (bởi chúng tôi không biết và cũng không thích uống rượu) nhưng cả hai cũng đều cụng ly và nói với nhau đó là… cụng ly tân hôn! Chúng tôi “cưới lại từ đầu” như vậy đấy. Không cần phải là “đám cưới vàng – bạc – kim cương” linh đình. Chỉ cần những hành động nhỏ nhưng giản dị vậy thôi cũng là cách để chúng tôi giữ “lửa” cho hôn nhân vững bền. Nào có khó chi, đúng không?

Xin cảm ơn ông bà về cuộc trò chuyện này. Chúc ông bà luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hôn nhân.

Tất nhiên chung sống với nhau lâu năm thì sẽ có những lúc xung đột, cãi vã nhưng rồi mọi thứ cũng ổn cả thôi. Điều quan trọng nhất giúp chúng tôi sau bao nhiêu năm vẫn được như bây giờ, đó chính là sự thấu hiểu và thông cảm mà cả hai dành cho nhau. Với lại, tình yêu khó nói lắm! Nhiều lúc tôi cứ cảm giác như mới cưới bà ấy ngày hôm qua (cười lớn).

ANH LÝ HẢI & CHỊ MINH HÀ

Thay vì sánh bước bên nhau lãng mạn như trong tưởng tượng, ngày cưới của vợ chồng nghệ sĩ Lý Hải - Minh Hà lại gắn liền với kỉ niệm chú rể còng lưng cõng cô dâu suốt bữa tiệc.

Bài Thủy Linh Ảnh NVCC

8 năm kể từ ngày góp gạo thổi cơm chung, anh chị còn nhớ đám cưới năm ấy của mình diễn ra như thế nào không?

Lý Hải: Với chúng tôi, ngày cưới là kỷ niệm mà hai vợ chồng sẽ không bao giờ quên bởi hôm ấy cô dâu… bị trọng thương. Số là trước đó khi chụp ảnh cưới, Minh Hà bị gãy xương ngón chân út và phải băng bó đến tận đầu gối. Đại tiệc trong đời, đáng lẽ cô dâu chú rể sánh bước bên nhau thì tôi lại phải cõng Hà gần như suốt buổi tiệc. Nhưng đó lại là khoảnh khắc hạnh phúc nhất vì nó thể hiện đúng những gì tôi đã hứa với Hà: sẽ luôn bên cạnh cô ấy, cả những lúc bình an cũng như khi khó khăn nhất.

Vợ chồng anh sống với nhau có nguyên tắc gì không?

Lý Hải: Chúng tôi luôn dành thời gian cho gia đình, dù làm gì, ở đâu, cả nhà cũng dính với nhau như sam. Bên cạnh đó, cuộc sống hôn nhân dạy cho hai vợ chồng biết cách kiềm chế cái tôi, thay đổi bản thân để phù hợp với bạn đời.

Minh Hà: Đúng vậy, chẳng hạn như tôi vốn là người gốc Hà Nội, anh Hải quê miền Tây, thế nên tôi đã học cách nấu ăn phù hợp với khẩu vị của ảnh. Lúc chưa cưới, tôi hay đi “pub” cùng hội chị em. Anh Hải không cấm nhưng giải thích rằng những nơi đó phức tạp, ồn ào và không phù hợp với tính chất công việc của ảnh. Tôi thấy anh nói cũng đúng, từ đó tôi không đi nữa.

Cách đây không lâu, anh Hải từng thừa nhận rằng cuộc hôn nhân của anh chị cũng không hẳn đẹp như mơ. Những lúc gặp sóng gió, anh chị làm thế nào để vượt qua?

Minh Hà: Cả hai chúng tôi đều thuộc kiểu người rất quyết đoán, mỗi khi tranh luận, nếu ai đưa ra lập luận thuyết phục hơn thì người kia ắt phải “buông cờ”, chứ không có chuyện chồng hay vợ phải răm rắp nghe lời đối phương. Nếu tôi sai thì anh Hải dù có thương mấy cũng không xuống nước xin lỗi đâu (cười). 

Lý Hải: Tôi nghĩ, vợ chồng nên luôn đồng hành cùng nhau trong mọi chuyện. Mỗi quyết định đưa ra cần có sự đồng thuận của cả hai. Bản thân tôi luôn tôn trọng vợ nên có chuyện gì cũng hỏi ý kiến Hà. Gần như chẳng có bí mật nào giữa hai chúng tôi cả.

Không ít cặp vợ chồng kết hôn lâu năm thường chọn cách cùng nhau chụp lại ảnh cưới hoặc tổ chức tiệc kỷ niệm hôn nhân vàng, bạc để “hấp hôn”. Còn anh chị?

Lý Hải – Minh Hà: Bọn tôi vẫn “hấp hôn” mỗi ngày ấy chứ (cười). Thật ra, vợ chồng tôi nghĩ rằng sống với nhau bao lâu, hạnh phúc như thế nào mới là điều quan trọng, còn lễ cưới hay ảnh cưới vẫn chỉ là chất xúc tác cho cuộc hôn nhân thêm thi vị và màu sắc thôi.

Thiết kế NGUYÊN KHÔI

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

CƯỚI LẠI TỪ ĐẦU
  1. Section 1